Động kinh là bệnh khá phổ biến tại Việt Nam. Tùy trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị bệnh động kinh phù hợp. Vậy hiện có các cách chữa bệnh động kinh hay cách điều trị động kinh nào phổ biến, hiệu quả?
Bệnh động kinh có chữa được không?
Động kinh là bệnh có thể điều trị. Trong nhiều trường hợp, người bệnh động kinh có thể được chữa khỏi sau khi dùng thuốc, làm phẫu thuật, hoặc bệnh sẽ được kiểm soát hiệu quả… Người bệnh đi khám sớm, tuân thủ cách chữa bệnh động kinh theo chỉ định của bác sĩ càng sớm thì cơ hội điều trị khỏi bệnh càng cao.
Với các trường hợp cần tiến hành làm phẫu thuật để điều trị, người bệnh nên thực hiện từ sớm vì các tổn thương não có thể “lan rộng” theo thời gian, khiến cho việc làm phẫu thuật gặp nhiều trở ngại hơn. Trì hoãn điều trị cũng khiến bệnh tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, cuộc sống của người bệnh.
Tìm hiểu thêm: Bệnh động kinh có chữa được không? Trị khỏi bệnh hoàn toàn không?
Cách sơ cứu người bị động kinh
Trước khi tìm hiểu về cách điều trị bệnh động kinh, chúng ta cần biết nên sơ cứu cho người bị động kinh như thế nào. Nếu gặp ai đó đang có dấu hiệu hay triệu chứng của bệnh động kinh, những người xung quanh cần tiến hành các bước sơ cứu cơ bản sau:
- Giúp người bệnh thở dễ dàng hơn, ví dụ như nới lỏng cà vạt, cổ áo…
- Kê cao đầu của người bệnh bằng đồ vật mềm, đặt người bệnh nằm theo tư thế nghiêng sang một bên, không di chuyển người bệnh sang vị trí khác. Người sơ cứu cần loại bỏ các vật xung quanh nơi người bệnh nằm để tránh gây ra thương tích.
- Tuyệt đối không trói người bệnh động kinh đang bị co giật và không nên “đánh thức” người bị động kinh bằng cách la hét hoặc lắc người bệnh.
- Không cho người bị động kinh đang gặp tình trạng co giật ăn uống bất kỳ thứ gì để tránh sặc hoặc gặp những chấn thương khác. Người sơ cứu không được đặt ngón tay hoặc bất kỳ thứ gì khác vào miệng của người bệnh.
- Theo dõi, ghi nhận những triệu chứng mà người bệnh đang gặp để thông tin lại cho bác sĩ hoặc người bệnh biết.
- Người sơ cứu cần tính thời gian người bệnh bị co giật, thông thường, nếu chứng động kinh kéo dài hơn 5 phút thì hãy gọi cấp cứu ngay. Những trường hợp sau khi kết thúc cơn co giật không bao lâu thì bị co giật lại cũng cần được đưa đến bệnh viện thăm khám.
- Tốt nhất, người bệnh nên đến cơ sở y tế thăm khám khi cơn động kinh kết thúc.
Các cách điều trị bệnh động kinh phổ biến hiện nay
Tùy từng trường hợp và mức độ, bác sĩ sẽ chỉ định cách trị động kinh khác nhau. Một số cách điều trị động kinh phổ biến hiện nay bao gồm: (1)
1. Dùng thuốc (hay điều trị nội khoa)
Hầu hết người bệnh động kinh sẽ được bác sĩ chỉ định cho dùng thuốc kháng động kinh nhằm giúp hạn chế các cơn co giật. Bác sĩ có thể dùng một hoặc kết hợp nhiều loại thuốc tùy vào thể trạng và mức độ của chứng động kinh, loại bệnh động kinh, tuổi của người bệnh,…
Những loại thuốc kháng động kinh thường cần được sử dụng trong thời gian dài, đúng theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý bỏ thuốc. Người bị động kinh cần được bác sĩ theo dõi và chữa trị liên tục. (2)
2. Phẫu thuật
Bác sĩ có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật để chữa động kinh cho người bệnh khi việc chữa trị bằng thuốc còn không mang lại hiệu quả cao. Phẫu thuật trị động kinh có thể được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp: chứng động kinh bắt nguồn từ vị trí nhỏ trong não, đã xác định rõ ràng, cụ thể vùng não bất thường đảm nhận không tốt những chức năng có liên quan như ngôn ngữ, thị giác, vận động; tình trạng động kinh xảy ra do bệnh lý cụ thể chẳng hạn như u não,… (3)
Sau khi hoàn tất quy trình thăm khám, kiểm tra, đảm bảo người bệnh đã đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn để phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện phẫu thuật.
Các phương pháp điều trị khác và thử nghiệm lâm sàng
Ngoài việc điều trị động kinh bằng thuốc và phẫu thuật, một số liệu pháp khác cũng có thể được bác sĩ áp dụng như giải pháp thay thế để chữa bệnh động kinh như:
- Kích thích dây thần kinh phế vị: Ở liệu pháp này, máy kích thích dây thần kinh phế vị sẽ được cấy dưới da ngực của người bệnh (tương tự như máy tạo nhịp tim). Dây từ máy kích thích kết nối với dây thần kinh phế vị tại cổ. Thiết bị chạy bằng pin gửi những luồng năng lượng điện qua dây thần kinh phế vị và đi đến não, có thể giúp làm giảm cơn động kinh (khoảng 20 - 40%).
- Kích thích não sâu: Ở phương pháp kích thích não sâu, bác sĩ sẽ cấy điện cực vào một phần não cụ thể, thường là đồi thị. Các điện cực được kết nối với máy phát điện được cấy trong ngực. Máy phát điện thường xuyên gửi xung điện đi đến não theo những khoảng thời gian nhất định và có thể giúp làm giảm các cơn động kinh.
- Kích thích thần kinh đáp ứng: Các thiết bị cấy ghép giống máy tạo nhịp tim sẽ được sử dụng ở liệu pháp này, giúp làm giảm tần suất xuất hiện cơn động kinh. Thiết bị sẽ phân tích hoạt động của não nhằm phát hiện cơn động kinh khi chúng xảy ra. Thiết bị cũng cung cấp kích thích điện để giúp ngăn chặn cơn động kinh. Liệu pháp kích thích thần kinh đáp ứng có thể làm giảm cơn động kinh lâu dài.
Việc áp dụng chế độ ăn ketogenic (ít carbohydrate, nhiều chất béo) có thể hỗ trợ giúp các bệnh nhân người lớn và trẻ em bị động kinh giảm bớt cơn động kinh. Trong chế độ ăn kiêng này, cơ thể sẽ phân hủy chất béo thay vì carbohydrate để lấy năng lượng.
Chế độ ăn ketogenic tạo ra các thay đổi về mặt hóa học để giúp ngăn chặn tình trạng co giật. Chế độ ăn này cũng làm thay đổi hoạt động của những tế bào não, giúp làm giảm cơn co giật. Điều quan trọng là người bệnh phải áp dụng cách điều trị bệnh động kinh này kết hợp với dùng thuốc hay các giải pháp khác theo tư vấn của bác sĩ. (4)
Hiện tại, có nhiều phương pháp điều trị động kinh mới, tiềm năng đang được nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm thực tế như:
- Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS): Kỹ thuật này dùng từ trường tập trung vào những vùng não xảy ra cơn động kinh để chữa trị mà không cần tiến hành phẫu thuật. Những người bị động kinh ở gần bề mặt não, không thể điều trị bằng cách phẫu thuật có thể áp dụng phương pháp kích thích từ xuyên sọ.
Xem thêm bài viết: Tìm hiểu điều trị động kinh bằng kích thích từ trường xuyên sọ.
- Kích thích liên tục vùng khởi phát cơn động kinh (kích thích dưới ngưỡng): Kích thích dưới ngưỡng là sự kích thích liên tục đến một vùng não dưới mức có thể nhận thấy về mặt vật lý. Liệu pháp này có thể phát huy hiệu quả với người gặp chứng động kinh bắt đầu ở vùng não eloquent (vùng não chi phối thị giác, cảm giác, vận động và chức năng ngôn ngữ).
- Phẫu thuật ít xâm lấn: Những kỹ thuật phẫu thuật ít xâm lấn mới, ví dụ như siêu âm hội tụ hướng dẫn bằng MRI cho thấy triển vọng trong việc chữa bệnh động kinh. Những ca phẫu thuật này hứa hẹn ít rủi ro hơn so với mổ hở truyền thống để chữa bệnh động kinh.
Tác dụng phụ hoặc rủi ro khi chữa bệnh động kinh
Sử dụng thuốc điều trị động kinh có thể gây ra một số tác dụng phụ, bao gồm: chóng mặt, mệt mỏi, viêm da, tăng cân, gặp vấn đề về trí nhớ, lời nói, mất mật độ xương, mất khả năng phối hợp… Những tác dụng phụ nghiêm trọng hơn nhưng hiếm gặp gồm có: phát ban nặng, trầm cảm, viêm một số cơ quan như gan, … (5)
Ở một số người bệnh, việc phẫu thuật để điều trị động kinh có thể gây ra biến chứng, thậm chí thay đổi khả năng suy nghĩ vĩnh viễn. Khi áp dụng kỹ thuật kích thích dây thần kinh phế vị để chữa bệnh động kinh, người bệnh có thể gặp tác dụng phụ như ho, khó thở, khàn giọng, đau họng. Kỹ thuật kích thích não sâu (DBS) có thể tiềm ẩn nguy cơ gây trầm cảm, chảy máu não, những vấn đề về trí nhớ.
Người bị động kinh áp dụng chế độ ăn ketogenic để chữa bệnh có thể gặp các tác dụng phụ như táo bón, mất nước, chậm phát triển do không nhận đủ dưỡng chất (ở trẻ em). Tác dụng phụ cũng có thể bao gồm tình trạng tích tụ axit uric trong máu, nguy cơ dẫn đến bệnh sỏi thận.
Tuy nhiên, lợi ích của việc điều trị to lớn hơn rủi ro mà người bệnh có thể gặp phải. Bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn giải pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh, nâng cao hiệu quả điều trị và đảm bảo an toàn cao nhất.
Chăm sóc bệnh nhân chữa trị bệnh động kinh
Bên cạnh việc tìm hiểu về cách điều trị bệnh động kinh, bản thân người bệnh và thân nhân nên biết cách chăm sóc người bị động kinh như thế nào hợp lý. Tham khảo các lưu ý sau:
- Người bệnh cần được dùng thuốc đúng cách: Tuyệt đối không được tự ý điều chỉnh liều dùng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ. Nếu người bệnh cảm thấy cần thay đổi thuốc, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ để được tư vấn và chỉ định.
- Người bệnh cần được ngủ đủ giấc: Tình trạng thiếu ngủ có thể dẫn đến hoặc tăng nặng chứng co giật. Người bệnh cần được ngủ đầy đủ mỗi đêm từ 7-8 tiếng.
- Người bệnh nên luyện tập thể dục: Vận động, tập thể thao có thể giúp người bệnh cải thiện sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Nếu cảm thấy mệt khi tập thể dục, người bệnh cần nghỉ ngơi và uống đủ nước.
- Ăn uống khoa học: Người bệnh nên ăn uống đầy đủ dưỡng chất, tránh uống rượu bia hoặc dùng các chất kích thích.
- Tái khám định kỳ: Người bệnh động kinh cần được bác sĩ thăm khám định kỳ. Ngay cả khi bệnh đã được kiểm soát tốt, người bệnh vẫn nên tái khám tối thiểu 2 lần/năm.
- Giữ an toàn: Người bị động kinh cần trang bị đồ bảo hộ và giữ an toàn trong một số hoạt động như lái xe, nấu ăn, bơi lội… để tránh gặp vấn đề nguy hiểm.
Bệnh động kinh nên điều trị ở đâu uy tín hiện nay?
Bị động kinh điều trị ở đâu uy tín là vấn đề được nhiều người bệnh quan tâm. Ngay khi gặp triệu chứng động kinh, người bệnh nên sớm đến bệnh viện uy tín có chuyên khoa thần kinh để thăm khám.
Trung tâm Khoa học Thần kinh, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là địa chỉ uy tín được nhiều người mắc các bệnh lý về thần kinh, trong đó có động kinh đến thăm khám. Bệnh viện quy tụ các chuyên gia, bác sĩ chuyên khoa Thần kinh, Phẫu thuật Thần kinh đầu ngành, nhiều năm kinh nghiệm, từng tu nghiệp trong và ngoài nước.
Trung tâm Khoa học Thần kinh còn được trang bị, ứng dụng nhiều thiết bị, máy móc tân tiến như máy chụp cắt lớp vi tính 1975 lát cắt đồng bộ chính hãng duy nhất tại Việt Nam, máy chụp cộng hưởng từ thế hệ mới 1,5 - 3 Tesla, máy điện não vi tính EEG-1200K, robot mổ não AI Modus V Synaptive, hệ thống định vị thần kinh Neuro-Navigation AI thế hệ mới,… hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán, điều trị hiệu quả các bệnh lý thần kinh, bao gồm cả bệnh động kinh.
Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Tóm lại, người bệnh động kinh hoặc gặp phải các dấu hiệu nghi ngờ động kinh cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám sớm, tái khám định kỳ. Thông qua kết quả thăm khám, bác sĩ có thể đề ra cách chữa bệnh động kinh hay cách điều trị bệnh động kinh hiệu quả, phù hợp với người bệnh.