Để sản xuất ra một sản phẩm được làm từ vải thổ cẩm, những phụ nữ dân tộc H’Mông nơi đây phải mất rất nhiều công lao động bởi các công đoạn sản xuất đều làm thủ công. Sự cầu kỳ đó như càng tôn thêm giá trị, vẻ đẹp của một sản phẩm thổ cẩm.
Bà Vàng Thị Mai Chủ nhiệm Hợp tác xã dệt lanh Lùng Tám, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ chia sẻ: Để sản phẩm thổ cẩm hoàn thiện phải trải qua nhiều công đoạn, từ trồng lanh, thu hoạch, bóc tách sợi, giã sợi, quay sợi, nấu sợi, dựng khung dệt…
Vải dệt xong được đặt giữa một phiến đá và một trụ gỗ. Người thợ đứng lên trên phiến đá lăn qua lăn lại cho đến khi toàn bộ bề mặt vải được cán phẳng.
Theo bà Mai một trong những điều đặc biệt tạo nên thương hiệu của những tấm thổ cẩm lanh của người H’Mông ở Cao nguyên đá Đồng Văn chính là việc tạo nên những hoa văn, họa tiết bằng kỹ thuật thêu đắp vải màu và vẽ hoa văn sáp ong độc đáo. Trong đó công đoạn vẽ sáp ong trên vải lanh là khâu quan trọng nhất, bởi vẽ sao cho họa tiết phải đẹp, rõ nét. Riêng công đoạn vẽ đã mất cả tuần, cả tháng mới hoàn thành. Chính điều đó đã tạo nên sự khác biệt của nghề lanh truyền thống của đồng bào H’Mông tại Hà Giang.
Hoa văn trên thổ cẩm của người H’Mông rất đa dạng, chủ yếu là các hoa văn hình học như khối hình vuông, chữ nhật, hình thoi và những họa tiết cách điệu hình hoa cỏ, lá cây, muông thú. Các mẫu hoa văn được lưu giữ qua trí nhớ của người phụ nữ. Mỗi hoa văn mang một ý nghĩa riêng, phản ánh tập tục sinh hoạt, đời sống của đồng bào.
Thế hệ trẻ tiếp tục kế thừa và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống để gìn giữ nét đẹp văn hoá dân tộc mình.
Những họa tiết trên mỗi sản phẩm thổ cẩm cho thấy sự tài hoa, óc thẩm mỹ, tính sáng tạo từ những đôi bàn tay lao động cần mẫn của những phụ nữ H’Mông. Đây là một minh chứng sinh động thể hiện đức tính cần cù, chịu thương chịu khó của đồng bào H’Mông đã vượt qua mọi khó khăn, khắc nghiệt của tự nhiên để xây dựng đời sống ngày càng tươi đẹp.
Phụ nữ H’Mông tranh thủ cuốn sợi lanh những lúc nhàn rỗi.
Đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện nay, từ những sản phẩm thổ cẩm, phụ nữ H’Mông đã khéo léo làm ra các trang phục cách điệu, khăn quàng, ví, túi đeo điện thoại, ba lô, chiếc móc chìa khóa xinh xắn... trở thành hàng hóa được rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước ưa chuộng.
Để có được sản phẩm hoàn chỉnh thì cần phải trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ.
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc H’Mông không chỉ có ý nghĩa bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc mình mà còn góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho rất nhiều phụ nữ người H’Mông.
Những nét hoa văn tinh xảo được thêu dệt kỹ lưỡng.
Sắc màu rực rỡ đến từ làng dệt thổ cẩm Lùng Tám Hà Giang.