Xu thế giao lưu, hợp tác trong kinh doanh, giao lưu văn hóa giữa các quốc gia đã trở thành nhu cầu tất yếu trong cuộc sống. Để thuận lợi trong việc trao đổi, ngôn ngữ được xem là yếu tố quan trọng bậc nhất. Chính yếu tố này đã tạo nên sức hút và giá trị cao cho ngành ngôn ngữ mà Ms Uptalent chú trọng đề cập trong bài viết hôm nay. MỤC LỤC: 1- Ngành ngôn ngữ là gì? 2- 7 vị trí phổ biến ngành ngôn ngữ 3- Công việc đảm nhiệm 4- Mức lương ngành ngôn ngữ 5- Yêu cầu chứng chỉ, bằng 6- Kỹ năng cần thiết 7- Cơ hội nghề nghiệp
1- Ngành ngôn ngữ là gì?
Ngành ngôn ngữ (còn gọi là Ngành ngôn ngữ học) là ngành học chuyên đào tạo nhân lực cho mục đích nghiên cứu chuyên sâu các nội dung liên quan đến một ngôn ngữ nhất định như tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn… Những nội dung này có thể là lịch sử phát triển ngôn ngữ, ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa … trong mỗi từ, mỗi câu mà ngôn ngữ đó biểu đạt. Một số ngành ngồn ngữ phổ biến tại Việt Nam: Ngành ngôn ngữ Anh Ngành ngôn ngữ Trung Ngành ngôn ngữ Hàn Ngành ngôn ngữ Nhật
Ngành học này không chỉ mang đến cho người học khả năng hiểu biết sâu về ngôn ngữ, mà còn mở ra nhiều cơ hội công việc thông qua khả năng sử dụng thành thạo ngôn ngữ đó trong các hoạt động giao tiếp bằng lời nói hoặc bằng văn bản.
2- 7 vị trí công việc phổ biến ngành ngôn ngữ
Thoạt nghe qua ngành học, nhiều người nghĩ rằng các vị trí công việc của ngành ngôn ngữ sẽ chỉ bó hẹp trong nghiên cứu học thuật, nhưng thực tế, danh sách các vị trí công việc ngành ngôn ngữ rất phong phú:
2.1. Nhà nghiên cứu ngôn ngữ
Mỗi ngôn ngữ của mỗi quốc gia đều có một lịch sử hình thành và phát triển riêng biệt, ẩn chứa trong đó nét đẹp văn hóa độc đáo. Tim hiểu cội nguồn ngôn ngữ chính là nhiệm vụ mà các nhà nghiên cứu ngôn ngữ sẽ đảm nhận.
2.2. Biên - phiên dịch
Chuyển ngữ lời nói, văn bản từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khách, giúp lan tỏa nội dung chuẩn xác đến nhiều người, thuộc nhiều quốc gia khác nhau là điều mà nhiều tổ chức kỳ vọng ở các nhân sự biên - phiên dịch.
2.3. Hướng dẫn viên du lịch
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam hoặc khách Việt Nam đi du lịch quốc tế đều cần những nhân sự giỏi ngôn ngữ quốc tế để hướng dẫn, hỗ trợ và bảo đảm an toàn trong suốt quá trình khám phá. Đây chính là cơ hội công việc dành cho các hướng dẫn viên du lịch giỏi ngoại ngữ.
2.4. Giáo viên ngoại ngữ
Giáo viên ngoại ngữ không chỉ cần sở hữu kiến thức ngôn ngữ chuyên sâu mà còn phải có khả năng sư phạm để truyền đạt hiệu quả, giúp học viên hiểu đúng, hiểu chuẩn và nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ từng ngày.
2.5. Tiếp viên hàng không
Dù là những chuyến bay nội địa thì cũng sẽ có những hành khách người nước ngoài, việc giỏi ngoại ngữ để giao tiếp là yêu cầu bắt buộc với các tiếp viên hàng không.
2.6. Nhà ngoại giao
Làm công tác ngoại giao tại các văn phòng chính phủ, hay các tổ chức đa quốc gia, nhân sự được yêu cầu phải thông thạo ngoại ngữ, khả năng giao tiếp và sử dụng các thuật ngữ chuyên ngành ngoại giao thuẩn thục.
2.7. Nhà báo, phóng viên, biên tập viên quốc tế
Các nội dung quốc tế cần được chuyển ngữ và truyền tải chính xác nội dung theo văn phong tiếng Việt là điều mà các nhà báo, phóng viên, biên tập viên quốc tể sẽ chịu trách nhiệm.
3- Công việc đảm nhiệm
Tùy theo vị trí công việc chuyên môn mà bạn đảm nhận, danh sách nhiệm vụ công việc của một nhân sự ngành ngôn ngữ sẽ có những nhiệm vụ đặc thù bên cạnh nhóm nhiệm vụ chung:
3.1. Nhiệm vụ chung của nhân sự ngành ngôn ngữ
-
Liên tục cập nhật kiến thức ngôn ngữ phục vụ công việc chuyên môn
-
Thấu hiểu mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa quốc gia
-
Trực tiếp truyền tải thông tin chuẩn xác đến người nghe bằng ngôn ngữ mình phụ trách
-
Đảm bảo chất lượng thông tin truyền đạt chuẩn mực, phù hợp văn hóa, thuần phong mỹ tục của người nghe
-
Biên soạn văn bản, email bằng ngoại ngữ gửi cho các đối tác / khách hàng…
3.2. Nhiệm vụ đặc thù một số vị trí ngành ngôn ngữ
3.2.1. Vị trí phóng viên quốc tế
Theo dõi tin tức thời sự quốc tế liên tục
Nhanh chóng chuyển ngữ nội dung để cập nhật thông tin đến người đọc sớm nhất
Đi công tác quốc tế, trực tiếp tham gia hội nghị, phỏng vấn để viết bài
Tuân thủ nguyên tắc tác nghiệp dành cho phóng viên theo tiêu chuẩn quốc tế.
3.2.2. Vị trí hướng dẫn viên du lịch
Giữ liên lạc thường xuyên với từng khách du lịch trong đoàn
Nhanh chóng hỗ trợ công tác hậu cần khi cần thiết, kể cả việc phiên dịch riêng
Đảm bảo an toàn cho toàn đoàn tại mọi địa điểm ghé tham quan
Giữ vai trò cầu nối ngôn ngữ giữa du khách và người dân bản địa.
3.2.3. Vị trí giáo viên ngoại ngữ
Nghiên cứu, nắm chắc các yêu cầu để gắn kết từ vựng, ngữ pháp trong ngoại ngữ giảng dạy
Truyền đạt thông tin dễ hiểu, tạo sự yêu thích học ngoại ngữ cho học viên.
Giải đáp thắc mắc về nội dung học, hỗ trợ học viên tìm kiếm phương pháp tiếp thu phù hợp
Tiến hành kiểm tra, chấm điểm, khắc phục lỗi học ngôn ngữ cho học viên…
4- Mức lương ngành ngôn ngữ
Ngôn ngữ trong hoạt động giao tiếp, đặc biệt là trong kinh doanh, ngoại giao luôn là nền tảng mang giá trị cốt lõi nên mức lương của nhân viên ngành ngôn ngữ hiện thuộc “top” khá cao. Tùy theo mức độ hiểu biết và sử dụng thông thạo, cũng như giá trị ngôn ngữ mang lại cho công việc mà thu nhập của mỗi nhân sự sẽ khác nhau.
Hiện nay, theo mặt bằng lương phổ biến cho nhân sự văn phòng chuyên ngành ngôn ngữ thì lương trung bình khoảng 10 - 15 triệu đồng/ tháng. Khi đã có thâm niên, tích lũy nhiều kinh nghiệm, hoặc giữ các vị trí quản lý thì lương có thể lên đến 30 triệu đồng/ tháng hoặc hơn.
5- Yêu cầu chứng chỉ, bằng cấp
Khi ứng tuyển các vị trí ngành ngôn ngữ, nhà tuyển dụng thường sẽ yêu cầu bằng cử nhân ngôn ngữ học hoặc cử nhân ngoại ngữ. Tuy nhiên, nếu bạn không học chuyên ngành ngôn ngữ thì vẫn có thể tìm thấy cơ hội làm việc chuyên sâu liên quan đến ngôn ngữ thông qua việc sở hữu bằng cấp chuyên môn (ví dụ: ngân hàng, quản trị kinh doanh, truyền thông báo chí…) kèm theo những chứng chỉ quốc tế. Ví dụ:
Ngành Tiếng Anh Chứng chỉ tiếng anh gồm TOEIC, TOEFL, IELTS, A1, A2, B1, B2, C1, C2 đánh giá 4 kỹ năng nghe nói đọc viết của ứng viên. Trường hợp, bạn muốn làm giáo viên giảng dạy tiếng Anh chuyên sâu thì chứng chỉ TESOL (Teaching English to Speakers of Other Languages) sẽ hỗ trợ rất lớn khi ứng tuyển.
Ngành Tiếng Trung chứng chỉ tiếng trung có chúng chỉ HSK 1 đến HSK 6; chứng chỉ BCT cấp A, cấp B hoặc BCT khẩu ngữ; chứng chỉ HSKK sơ cấp / trung cấp / cao cấp…
Ngành Tiếng Hàn Chứng chỉ tiếng Hàn TOPIK 1 đến TOPIK 6, nếu bạn muốn đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc thì phải có chứng chỉ KLPT.
Ngành Tiếng Nhật Chứng chỉ tiếng Nhật thì có chứng chỉ JLPT (N5 đến N1), NAT Test (cấp 4 đến cấp 1), TOP J (sơ cấp, trung cấp, cao cấp)
6- Kỹ năng cần thiết
Ngành ngôn ngữ học là một ngành thiên về học thuật, thường xuyên làm việc với những con chữ, nhưng để thành công trong công việc ngôn ngữ học, ứng viên không thể suốt ngày vùi đầu vào sách vở được mà phải trau dồi cho mình nhiều nhóm kỹ năng quan trọng:
6.1. Kỹ năng cứng
Kỹ năng cứng hay cụ thể là các kỹ năng thiên về chuyên môn ngành nghề mà ứng viên lựa chọn. Chẳng hạn như
-
Giáo viên ngôn ngữ phải trau dồi phương pháp sư phạm, nắm rõ cấu trúc ngôn ngữ chuẩn xác
-
Hướng dẫn viên du lịch phải cập nhật kiến thức về các địa danh, thắng cảnh, văn hóa nơi đến
- Nhà ngoại giao phải nắm rõ thể chế chính trị, đặc điểm văn hóa của nước mình và nước bạn.
6.2. Kỹ năng mềm
Đây là nhóm những kỹ năng hỗ trợ đắc lực cho chất lượng công việc ngành ngôn ngữ
-
Kỹ năng tự học ngôn ngữ tốt, nâng cao tính tự giác bổ sung kiến thức theo thời gian
-
Kỹ năng phân tích, ghi nhớ chuẩn xác các cấu trúc, từ vựng, mẫu câu
-
Kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả để cùng một lúc có thể triển khai nhiều dự án ngôn ngữ
-
Kỹ năng giao tiếp hoạt ngôn, đặc biệt quan trọng với những ai sử dụng ngôn ngữ lời nói nhiều như nhà ngoại giao, giáo viên…
7- Cơ hội nghề nghiệp ngành ngôn ngữ
7.1. Cơ hội
Thế giới có hơn 200 quốc gia với hơn 7000 ngôn ngữ, trong đó có 6 ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất là tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hindi, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga, tiếng Ả Rập. Mặc dù tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ quốc tế, các nước có thể thông qua ngôn ngữ này để hiểu tâm ý của nhau, nhưng việc sử dụng ngôn ngữ của chính nước bạn để trao đổi cùng họ luôn được đánh giá cao về sự tôn trọng và thiện ý hợp tác. Do đó, một khi kinh tế toàn cầu còn giao thương, một khi hợp tác kinh doanh quốc tế còn phát triển thì cơ hội việc làm cho các ứng viên ngành ngôn ngữ vẫn luôn rộng mở ở nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Danh sách 07 việc làm mà Ms Uptalent chia sẻ ở mục 2. ở trên chỉ là những vị trí đại diện, bởi lẽ, hầu hết mọi vị trí công việc, mọi cấp bậc nhân sự hiện nay đều đòi hỏi chúng ta phải có khả năng sử dụng ít nhất một ngoại ngữ. Vì vậy, dù bạn học chuyên ngành gì thì sở hữu thêm năng lực ngôn ngữ giỏi, con đường thành công đều trở nên thuận lợi hơn.
7.2. Thách thức
Hiện nay, trí tuệ nhân tạo AI đang được đầu tư phát triển mạnh, mang đến khả năng chuyển ngữ đa dạng, tốc độ cao. Nhưng theo khảo sát, kết quả dịch tự động vẫn còn nhiều lỗi về ngữ pháp hoặc văn phong. Chính vì vậy, vai trò của con người trong ngành ngôn ngữ sẽ không thể bị xóa bỏ. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho tương lai sự nghiệp, bên cạnh việc giỏi ngoại ngữ, thấu hiểu ngôn ngữ, các bạn ứng viên nên trau dồi cho mình một chuyên môn kỹ thuật đi kèm. Sự bổ trợ lẫn nhau giữa năng lực ngôn ngữ và năng lực chuyên môn kỹ thuật sẽ giúp chúng ta ứng phó hiểu quả trước những biến động của thời đại.
Ngành ngôn ngữlà một ngành học có phạm vi ứng dụng rất cao, cơ hội việc làm được trải rộng ở nhiều ngành nghề. Do đó, dù bạn không theo học đại học, cao đẳng chuyên ngành ngôn ngữ học thì Ms Uptalent vẫn khuyên bạn nỗ lực trau dồi năng lực ngoại ngữ tốt thông qua những chứng chỉ mà bài viết đã chia sẻ.