Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (tiếng Anh là Tourism and Hospitality Management) là ngành học đòi hỏi sự năng động tối đa bao gồm quá trình quản lý và điều hành du lịch, chịu trách nhiệm phân công công việc cho các hướng dẫn viên du lịch, nhận thông tin để phối hợp với các bộ phận, cơ quan chức năng giải quyết phát sinh, thiết kế các chương trình du lịch.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành có thể tự tin làm việc tại các vị trí sau:
Hướng dẫn viên du lịch hoặc chuyên viên phụ trách các bộ phận lưu trú, tiếp thị, chăm sóc khách hàng, tổ chức hội nghị - sự kiện;
Quản trị - điều hành - thiết kế tour tại các công ty trong và ngoài nước hoặc các tổ chức phi chính phủ;
Chuyên viên tại các Sở, ban, Ngành về Du lịch hoặc nghiên cứu, giảng dạy về du lịch tại các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu,...
Theo thông tin từ Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, du lịch là một ngành "công nghiệp không khói" có tốc độ phát triển nhanh và đóng góp lớn vào GDP của đất nước những năm gần đây.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), mỗi năm ngành Du lịch Việt Nam cần thêm gần 40.000 lao động, nhưng chỉ có 14.000 sinh viên ra trường, trong đó chỉ có hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Chính nhu cầu cao về nhân lực trong khi số lượng sinh viên được đào tạo hằng năm thấp đã khiến cho Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành trở thành một trong top những nghề hot, lương khủng.
Khoa Du lịch học có mối quan hệ hợp tác rộng rãi với các doanh nghiệp, đơn vị quản lý trong lĩnh vực du lịch, nhờ đó sinh viên vừa học lý thuyết, vừa được tạo các cơ hội rộng mở để thực hành kỹ năng nghề nghiệp. Chương trình đào tạo của Khoa luôn được cập nhật, đổi mới.
PGS. TS Phạm Hồng Long, Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, các giảng viên của khoa không chỉ giảng dạy mà còn trực tiếp tham gia làm tư vấn cho các dự án du lịch, tư vấn việc thành lập và vận hành các doanh nghiệp du lịch và khách sạn, tổ chức các sự kiện du lịch. Chính vì vậy, một mặt dạy lý thuyết, mặt khác, họ có kỹ năng thực hành tốt để truyền đạt cho sinh viên.
"Trung bình 5 năm, chúng tôi sẽ sửa đổi tổng thể chương trình đào tạo. Mỗi lần như vậy, chúng tôi luôn mời các chuyên gia du lịch, giám đốc nhân sự của các công ty lữ hành lớn trong cả nước để góp ý về chương trình đào tạo sao cho sát với nhu cầu thực tế” - PGS. TS Phạm Hồng Long cho biết.