Phi công hiện đang là một trong những những ngành nghề hot nhất tại Việt Nam và cả ở thế giới. Được biết, thu nhập của một phi công luôn thuộc dạng khủng. Theo tìm hiểu, mức thu nhập khởi điểm thấp nhất của phi công làm việc tại các hãng hàng không Việt Nam không dưới 70 triệu đồng/tháng. Và mức thu nhập này sẽ tiếp tục tăng lên theo thời gian.
Theo bản cáo bạch của Vietnam Airlines, mức lương trung bình của phi công hãng là 132,5 triệu đồng/tháng, tương đương khoảng 1,6 tỷ đồng/năm. Còn theo báo cáo thường niên của hãng Vietjet Air vào năm 2017, mức lương trung bình của phi công hãng này là 180 triệu đồng/tháng, tương ứng khoảng 2,2 tỷ đồng/năm.
Mức thu nhập của phi công lái các dòng máy bay thân rộng như Boeing 787 hay Airbus A350 sẽ cao hơn nhiều so với các dòng tàu bay thân hẹp Airbus A320, Boeing 737.
Tại nước ngoài, mức lương phi công còn khủng hơn nữa. Theo thống kê, tính đến đầu năm 2019, Trung Quốc là nước có mức lương trung bình cho phi công khá cao, vào khoảng 300.000 USD/năm. Tại đây, một phi công có thể kiếm được 25.000 USD/tháng, tương đương với 300.000 USD/năm. Ngoài ra, họ còn được hưởng khoản tiền thưởng cuối hợp đồng lên tới 80.000 USD.
Tại Hà Lan, mức lương trung bình cho phi công là khoảng 245.000 USD/năm, Qatar là 220.000 USD/năm,...
Thu nhập khủng, lại được nhiều người ngưỡng mộ nên không khó hiểu khi nhiều người muốn tìm hiểu và theo học ngành này. Tuy nhiên để trở thành một phi công không hề dễ dàng. Bởi ngoài sức khỏe, bạn còn cần phải có đủ tài chính để chi trả mức học phí lên tới 4 tỷ đồng.
Muốn trở thành phi công thì học ở đâu? Để trở thành phi công lái máy bay dân dụng, các học viên sẽ phải trải qua khâu tuyển chọn vô cùng khắt khe, nghiêm ngặt về cả thể hình và thể lực, ngoài ra còn yêu cầu trình độ tiếng Anh. Sau khi qua vòng sơ tuyển, các học viên sẽ tham gia khóa huấn luyện phi công dự khóa, được chuẩn bị các kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể tiếp thu tốt chương trình huấn luyện phi công cơ bản.
Sau chương trình phi công cơ bản, học viên sẽ phải tham gia huấn luyện chuyển loại để thành lái phụ trong khoảng 1 năm, rồi phải cần thêm hàng nghìn giờ bay và 5 năm tích lũy kinh nghiệm mới có thể trở thành lái chính. Do đó, đào tạo được một phi công thực thụ thường sẽ phải mất từ 7 đến 9 năm.
Trong quá trình đào tạo, các phi công tương lai luôn được rèn luyện rất kỹ, đồng thời luôn phải tuân thủ những quy tắc khắc nghiệt về sức khỏe, trình độ. Đến khi đã trở thành phi công chính thức, để giữ được bằng lái, mỗi năm các phi công phải trải qua từ 1 đến 2 đợt khám sức khỏe và 6 kỳ thi chuyên môn.
Tại Việt Nam, nơi duy nhất tham gia đào tạo được một phần khoá học phi công là Trường Phi công Bay Việt (TP.HCM, thuộc Vietnam Airlines). Mỗi năm, Trường Phi công Bay Việt triển khai 4-5 khoá đào tạo phi công cơ bản, mỗi khoá từ 25 đến 30 học viên. Tuy nhiên, trường cũng chỉ dạy phần lý thuyết còn học thực hành bay, cấp bằng lái, Trường Phi công Bay Việt phải kết hợp với các trường đào tạo phi công ở nước ngoài (như ở Mỹ, Úc, New Zealand, châu Âu).
Ngoài Trường Phi công Bay Việt, Tập đoàn Vingroup hợp tác cùng CAE Oxford Aviation Academy (Canada) thành lập Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng Không (VinAviation School) và Trung tâm Huấn luyện bay Vinpearl Air (VPA Training Centre). Từ năm 2019, VinAviation School bắt đầu tuyển sinh và đào tạo lứa phi công người Việt đầu tiên. Tương tự, Bamboo Airways cũng phối hợp với một số trường đào tạo phi công nước ngoài (ở Úc, Anh) để tuyển dụng và đào tạo phi công người Việt ở trường này.
Học phí đào tạo phi công - Mức phí khủng mà không phải ai cũng chi trả nổi Chi phí đào tạo một học viên phi công cơ bản tại trường Bay Việt khoảng 1,8 tỷ đồng trong khoảng thời gian 18-20 tháng. Chương trình đào tạo được chia làm 3 giai đoạn bao gồm huấn luyện lý thuyết ATP (Airline Transport Pilot Theory - Lý thuyết phi công vận tải hàng không) dài 24 tuần (trong nước), huấn luyện bay dài 44 - 52 tuần (ở Mỹ, Australia, New Zealand, châu Âu) và huấn luyện phối hợp tổ bay MCC (Multi Crew Cooperation) dài 3 tuần (trong nước).
Trong đó, giai đoạn huấn luyện bay ở nước ngoài chiếm nhiều chi phí nhất khoảng 57.000USD - 65.000 USD (1,3-1,6 tỷ đồng). Học phí của giai đoạn huấn luyện lý thuyết là 134 triệu đồng còn huấn luyện phối hợp tổ bay từ 99 triệu đồng. Tuy nhiên trong trường hợp quá trình học không suôn sẻ, học viên phải học lại thì mức học phí sẽ còn tăng thêm nữa.
Một số học viên cho biết phải đóng thêm hơn 10% học phí dự kiến cho thời gian huấn luyện bay bổ sung. Bên cạnh đó, nếu gặp thời tiết xấu, máy bay không thể cất cánh thì thời gian huấn luyện bay sẽ dài hơn và khi đó học viên cũng phát sinh thêm chi phí ăn ở tại nước ngoài.
Vinpearl Air thời gian trước công bố tuyển sinh 400 phi công khóa 1. Số học viên này được Vinpearl Air gửi đi đào tạo cơ bản tại các học viện phi công ở Mỹ (Aviator College) hoặc Úc (AAPA). Vinpearl Air không tiết lộ mức học phí cụ thể, chỉ cho biết mức hỗ trợ học phí tối đa lên đến 50.000 USD/người (khoảng 1,1 tỷ).
Sau khi tốt nghiệp chương trình huấn luyện cơ bản, nếu muốn trở thành phi công lái tàu bay thương mại, học viên sẽ tiếp tục huấn luyện chuyển loại, huấn luyện Base và IOE. Việc huấn luyện sau cơ bản diễn ra tại các hãng hàng không với chi phí không dưới 1,5 tỷ đồng/người. Cộng thêm các chi phí đi lại, ăn ở, huấn luyện thêm trong thời gian học bay tại nước ngoài, một học viên sẽ cần đầu tư khoảng 4 tỷ đồng để trở thành phi công dân dụng.
Hiện nay, mức học phí du học ở các trường đại học tư thục tại Mỹ khoảng 50.000 USD/năm (khoảng 1,1 tỷ), và tổng 4 năm là khoảng 200.000USD (khoảng 4,6 tỷ). Như vậy học ngành phi công cũng ngang ngửa đi du học Mỹ.
Theo Pháp luật và Bạn đọc