U thần kinh đệm bậc cao (độ 3, 4) là khối u ác tính (ung thư) hình thành trong não hoặc tủy sống của người bệnh. Khối u phát triển nhanh chóng và có thể lây lan khắp hệ thần kinh trung ương. Vậy u thần kinh đệm bậc cao có triệu chứng như thế nào, điều trị ra sao?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại u thần kinh đệm thành cấp độ thấp (1, 2) và cấp độ cao (3, 4). U thần kinh đệm bậc cao phát triển nhanh hơn u thần kinh đệm bậc thấp. Phẫu thuật, xạ trị và những liệu pháp nhắm mục tiêu có thể làm chậm sự phát triển của khối u, giảm bớt các triệu chứng.
U thần kinh đệm bậc cao là khối u xuất phát từ tế bào thần kinh đệm - tế bào được tìm thấy trong não và tủy sống. Gọi là u thần kinh đệm bậc cao vì các khối u này đã ở cấp độ cao, nguy hiểm, phát triển và lan nhanh khiến việc điều trị trở nên khó khăn. Khối u có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến người lớn tuổi. (1)
U thần kinh đệm bậc cao hiếm gặp, ví dụ, bệnh chỉ chiếm khoảng 8 - 12% trong tất cả các khối u não ở trẻ em. Người lớn bị u thần kinh đệm thường bắt đầu ở mức độ thấp và sau đó tiến triển đến mức độ cao. Ngược lại, u thần kinh đệm bậc cao ở trẻ em thường bắt đầu ở cấp độ cao luôn. Trong khi đó, u thần kinh đệm bậc thấp ở trẻ em có thể điều trị được và hiếm khi tiến triển lên bậc cao.
Có bốn loại tế bào thần kinh đệm khác nhau có thể phát triển bất thường gây ra khối u thần kinh đệm, bao gồm: tế bào biểu mô, microglia, tế bào hình sao và tế bào ít nhánh. U thần kinh đệm cũng được phân thành bốn cấp độ khác nhau (độ 1, 2, 3, 4) dựa trên mức độ xâm lấn của tế bào khối u và tốc độ khối u phát triển. U thần kinh đệm bậc cao được phân loại là 3 hoặc 4.
U thần kinh đệm bậc cao có thể có các dấu hiệu hay triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào phần não hoặc tủy sống bị ảnh hưởng, độ tuổi và tốc độ phát triển của khối u. Các triệu chứng của khối u thần kinh đệm bậc cao xuất hiện do tăng áp lực nội sọ và sự sưng tấy từ khối u.
Triệu chứng phổ biến nhất của u thần kinh đệm bậc cao là đau đầu, bên cạnh đó còn có buồn nôn hoặc nôn. Những cơn đau đầu có thể xảy ra đặc biệt dữ dội vào buổi sáng. Đôi khi, cơn đau nghiêm trọng đến mức đánh thức người bệnh khỏi giấc ngủ. Các triệu chứng khác của bệnh u thần kinh đệm bậc cao có thể kể đến bao gồm:
Trẻ sơ sinh bị u thần kinh đệm bậc cao có thể quấy khóc hoặc trở nên cáu kỉnh bất thường. Người thân có thể nhận thấy những thay đổi trong thói quen ăn uống của người bệnh. Đầu của trẻ bị bệnh có thể to hơn và các điểm mềm trên đỉnh đầu (một ở phía trước và một ở phía sau) có thể phình ra rõ rệt. (2)
Trong hầu hết các trường hợp, u thần kinh đệm bậc cao không có nguyên nhân rõ ràng. Đây là căn bệnh không có yếu tố di truyền. Chưa có bằng chứng nào cho thấy các yếu tố bên ngoài như chế độ ăn uống, lối sống, văn hóa, khí hậu… gây u thần kinh đệm bậc cao hay có thể ảnh hưởng đến sự phát triển loại khối u này. (3)
Những tế bào não và tủy sống phát triển, phân chia khi cơ thể phát triển. Trong quá trình phân chia tế bào, các tế bào cần tái tạo di truyền có thể có những sai sót dẫn đến đột biến gen, khiến tế bào phát triển thành khối u. Những gen lỗi này thường xảy ra ngẫu nhiên và không thể ngăn chặn được. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ sau có thể đóng vai trò nhất định trong việc phát triển bệnh u thần kinh đệm bậc cao, bao gồm: tiếp xúc với bức xạ ion hóa lên não, tiếp xúc với một số hóa chất…
U thần kinh đệm bậc cao mặc dù hiếm gặp nhưng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Nếu u thần kinh đệm bậc cao được chẩn đoán ở giai đoạn trễ, ung thư có thể đã lan rộng đến mức không thể chữa khỏi. Hướng điều trị sau đó chỉ có thể tập trung vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống bằng cách làm giảm các triệu chứng. Đây được gọi là cách điều trị giảm nhẹ, có thể bao gồm việc sử dụng thuốc để giúp giảm đau, cải thiện tình trạng buồn nôn và nôn.
U thần kinh đệm bậc cao là những khối u phát triển nhanh, tiên lượng xấu, đặc biệt ở người bệnh lớn tuổi. Những khối u thần kinh đệm bậc cao có thể tái phát sau khi điều trị. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với trẻ em bị u thần kinh đệm cấp độ cao có thể là dưới 20%. Tuy nhiên, tiên lượng của bệnh còn phụ thuộc vào các yếu tố như loại của khối u, vị trí hình thành, đặc điểm tế bào… Do đó, tỉ lệ và thời gian sống của mỗi người bệnh sau điều trị thường cũng khác nhau.
Bác sĩ dựa vào kết quả khám lâm sàng, các triệu chứng, tiền sử bệnh của người bệnh để có thể chỉ định những phương pháp cận lâm sàng giúp chẩn đoán bệnh như chụp CT, MRI… Kết quả hình ảnh có thể cho thấy khối u lớn có chèn ép vào các chức năng thần kinh, mô não hay không, có làm tăng áp lực nội sọ hay không, liệu khối u có gây ra các triệu chứng chưa… Bên cạnh đó, phương pháp sinh thiết có thể cho thấy khối u là ác tính (ung thư) hay lành tính (không ung thư). (4)
Điều trị u thần kinh đệm bậc cao nhằm loại bỏ khối u, làm chậm sự phát triển của bệnh, giúp giảm bớt các triệu chứng bằng cách phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và điều trị chăm sóc giảm nhẹ. (5)
U thần kinh đệm bậc cao thường tái phát sau khi điều trị. Ở trường hợp đó, bác sĩ có thể chỉ định áp dụng các liệu pháp nhắm mục tiêu vào những phân tử bất thường (gây ra bởi đột biến gen) được tìm thấy trong khối u của người bệnh. Những liệu pháp nhắm mục tiêu phân tử này có thể có sẵn thông qua các thử nghiệm lâm sàng. Qua đó, bác sĩ điều trị có thể cung cấp các loại thuốc trị liệu nhắm mục tiêu phù hợp.
Không có nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh nên cũng không có phương pháp phòng ngừa tuyệt đối u thần kinh đệm bậc cao. Đồng thời cũng không có cách nào để ngăn ngừa các khối u ác tính như u nguyên bào thần kinh đệm. Tuy nhiên, thực hành lối sống khoa học và tránh các yếu tố như nhiễm bức xạ ion có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
U thần kinh đệm bậc cao là bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người bệnh, thậm chí đe dọa tính mạng. Nếu không may có các dấu hiệu hay triệu chứng nghi ngờ u thần kinh đệm bậc cao, người bệnh cần sớm đến cơ sở y tế uy tín thăm khám.
Link nội dung: https://dhthaibinhduong.edu.vn/glioblastoma-la-gi-a32981.html