Nâng tầm thương hiệu ẩm thực Việt Nam

Việt Nam như một điểm đến để thưởng thức ẩm thực

Những năm gần đây, với sự quảng bá du lịch mạnh mẽ, ẩm thực Việt Nam đang dần tạo dấu ấn riêng. Cuối năm 2022, Giải thưởng Ẩm thực Thế giới - World Culinary Awards (nằm trong hệ thống Giải thưởng Du lịch Thế giới - World Travel Awards) đã vinh danh Việt Nam là “Điểm đến ẩm thực tốt nhất châu Á 2022”, vượt qua các tên tuổi khác trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan... Đây là lần thứ 3, tên Việt Nam được xứng tên ở giải thưởng uy tín này.

Không chỉ vậy, nhiều năm qua, rất nhiều tạp chí, chuyên trang du lịch ẩm thực nổi tiếng thế giới cũng dành những bài viết ca ngợi Việt Nam như một điểm đến để thưởng thức ẩm thực.

Cuối tháng 1/2023, chuyên trang du lịch Travel and Leisure của Mỹ đã vinh danh Việt Nam là điểm đến có nền ẩm thực hàng đầu châu Á trong danh sách Bucket List Places in Asia năm 2023, đặc biệt là ẩm thực đường phố. Chuyên trang này cũng đề xuất những nơi tốt nhất để du khách khám phá ẩm thực ở Việt Nam là Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Các món ăn nên thử gồm phở, bánh mì, bánh cuốn...

Travel and Leisure cũng cho rằng, nếu có một nền văn hóa ẩm thực nào có vị thơm ngon đậm đà khó cưỡng thì đó chắc chắn là ẩm thực Việt Nam với sự độc đáo, hấp dẫn và ngon miệng.

Ẩm thực Việt Nam rất phong phú, hấp dẫn. (Ảnh: Gia Huy)

Trong khi đó, chuyên trang du lịch nổi tiếng The Travel (Canada) vinh danh Việt Nam ở vị trí thứ 5 trong danh sách bình chọn 10 quốc gia có nển ẩm thức hấp dẫn hàng đầu thế giới từ độc giả. Theo The Travel, ngoài phở, du khách có thể trải nghiệm các món như nem rán, bánh mì, cơm rang, cơm tấm...

TasteAtlas - trang thông tin chuyên về ẩm thực nổi tiếng thế giới đã công bố giải thưởng ẩm thực năm 2023 và xếp hạng các nền ẩm thực của các nước châu Á. Theo đó, ẩm thực Việt Nam xếp vị trí thứ 6. Trang này cũng đưa ra 5 món ăn tiêu biểu nhất của Việt Nam gồm bánh mì, phở, chả giò, bò kho, bún bò Huế; 5 sản phẩm (về ẩm thực) tiêu biểu là cà phê đá, nước mắm Phú Quốc, cà phê Việt Nam, cà phê trứng và chả lụa. Trước đó, tháng 12/2022, TasteAtlas đã công bố Việt Nam xếp thứ 20 trong xếp hạng 100 nền ẩm thực tuyệt nhất thế giới...

Chuyên trang du lịch Traveller của Australia đã đề xuất bánh cuốn của Việt Nam là một trong 10 món ăn hấp dẫn mà du khách cần thưởng thức trong năm 2023.

Tháng 6/2023, cẩm nang ẩm thực nổi tiếng thế giới Michelin Guide đã gắn sao cho 4 nhà hàng Việt Nam, trong đó có 3 nhà hàng tại Hà Nội và 1 nhà hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đánh giá về tiềm năng và việc phát huy giá trị văn hóa ấm thực Việt Nam phục vụ du lịch, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam - ông Nguyễn Lê Phúc cho rằng, Việt Nam đã có hàng trăm món ăn nổi tiếng Việt Nam, trong đó phở, bún chả, bánh mì, nem… đã được tổ chức thế giới, tạp chí ẩm thực, kênh truyền thông quốc tế vinh danh. Trong xu thế phát triển ngày càng đa dạng của du lịch, ẩm thực không chỉ là yếu tố phục vụ cho nhu cầu ăn uống đơn thuần của du khách mà còn được xác định là một trong những nguồn thu chính của hoạt động du lịch. Số liệu của Tổ chức Du lịch thế giới cho thấy, du khách thường dành khoảng 25 - 30% cho các khoản chi tiêu thực phẩm, đồ uống trong mỗi hành trình. Tại Việt Nam, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng đã xác định du lịch ẩm thực là một trong những nguồn sản phẩm quan trọng, góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh và du lịch Việt Nam.

Để khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế về du lịch ẩm thực, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch ẩm thực hấp dẫn, chất lượng, trong đó chú trọng cung cấp các trải nghiệm khám phá về bản sắc văn hóa, sinh hoạt cộng đồng tại điểm đến gắn với các món ăn, đồ uống; quan tâm chia sẻ với du khách về không gian ăn hay văn hóa ứng xử trong khi ăn theo truyền thống văn hóa của người Việt Nam, từ đó nâng hành trình khám phá du lịch ẩm thực lên một tầm cao mới. Ngành du lịch cũng tăng cường quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam ra thế giới thông qua các sự kiện quốc tế được tổ chức trong nước và ngoài nước, nhất là các quốc gia là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam.

Du khách nước ngoài thưởng thức món bún chả tại Việt Nam. (Ảnh: Gia Huy)

Để ẩm thực Việt trở thành “bếp ăn của thế giới”

Mới đây, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam công bố đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 - 2024”. Đề án tiến hành khảo sát, thu thập dữ liệu của văn hóa ẩm thực Việt Nam nhằm xây dựng “Tổng tập 1.000 Món Ẩm thực Tiêu biểu Việt Nam” và tiến hành chuyển đổi số cơ sở dữ liệu đó thành “Bản đồ Trực tuyến Ẩm thực Việt Nam”, “Bảo tàng Trực tuyến Ẩm thực Việt Nam.”

Các sản phẩm của Đề án sẽ góp phần tạo bước đệm để đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới thông qua văn hóa ẩm thực, thúc đẩy cạnh tranh quốc gia và là tiền đề của phát triển kinh tế Việt Nam.

Đề án hướng đến chuyển đổi số cơ sở dữ liệu thành bản đồ ẩm thực Việt Nam, xây dựng bảo tàng ẩm thực Việt Nam theo định hướng thực tế ảo 3D và bảo tàng ẩm thực thực tế phục vụ du khách tham quan, thưởng thức món ăn đặc trưng của các vùng miền trên cả nước.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam Nguyễn Quốc Kỳ, ẩm thực chính là con đường tiếp cận nhanh, gần gũi nhất và rất phù hợp để phát triển du lịch. Do vậy, cần xây dựng thương hiệu ẩm thực Việt và trở thành “bếp ăn của thế giới”.

Việt Nam cần cải thiện chất lượng thực phẩm; phát triển hệ thống nhà hàng đạt chuẩn quốc tế. Ngoài ra, cần đào tạo đội ngũ nhân lực ngành đầu bếp trong chế biến món ăn, cũng như kỹ năng, phong cách phục vụ phù hợp. Đồng thời, cần xây dựng nhiều công trình nghiên cứu cơ bản về giá trị ẩm thực; xuất bản sách hướng dẫn về du lịch ẩm thực; tổ chức kênh phát thanh, truyền hình về ẩm thực du lịch dân tộc để quảng bá ra thế giới.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, các giá trị văn hóa thì ẩm thực có sức lan tỏa nhanh và rộng nhất. Có thể nhiều người nước ngoài chưa từng đến Việt Nam nhưng đã có thể biết đến ẩm thực Việt Nam ở chính quê hương của họ. Ẩm thực có thể kích thích mong muốn của họ để đến với đất nước ta. Ẩm thực cũng giúp mọi người hiểu hơn về Việt Nam, tạo ra sự cạnh tranh mềm trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia với thế giới.

Một khi văn hóa ẩm thực sự trở thành thương hiệu quốc gia thì đây sẽ là kênh quảng bá, truyền thông hiệu quả nhất để thúc đẩy phát triển du lịch, mở rộng kênh tiêu thụ lương thực, thực phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức với phương châm hoạt động “Tôn vinh truyền thống - Kiến tạo tương lai”, làm nền tảng và bản lề để phát huy và phát triển bền vững góp phần đồng hành với quốc gia, dân tộc xây dựng thành công nền văn hóa ẩm thực Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc để tự tin vươn ra thế giới.

Link nội dung: https://dhthaibinhduong.edu.vn/am-thuc-viet-nam-a36583.html