Tâm lý là gì? Tâm lý học là gì?

Thời kỳ cổ đại, khi nói về tâm lý, người ta sử dụng cụm từ “tâm hồn”. Tâm hồn là khái niệm phản ánh quan điểm có tính lịch sử về tâm lý con người và động vật. Theo quan niệm của tôn giáo và triết học duy tâm thời bấy giờ, “tâm lý” được xem là hiện tượng phi vật chất, độc lập với cơ thể sống và là khởi thủy của nhận thức. Sau đó, một cuộc đấu tranh gay gắt giữa thuyết duy tâm và thuyết duy vật về tâm hồn đã diễn ra. Những người theo thuyết duy vật cho rằng “tâm hồn” là một trong những sản phẩm của vật chất, não chính là bộ phận “sinh ra” tâm hồn. Trong tâm lý học thực nghiệm, khái niệm “tâm hồn” được thay thế bằng khái niệm về các hiện tượng tâm lý.

Trong các khoa học như Triết học, Tâm lý học… thuật ngữ “tâm hồn” ít được sử dụng và được quan niệm đồng nhất với thuật ngữ “tâm lý”.

Trong cuộc sống hằng ngày, nhiều người vẫn sử dụng từ “tâm lý” để nói về lòng người. Đó là cách hiểu “tâm lý” ở cấp độ nhận thức thông thường. Đời sống tâm lý con người bao hàm nhiều hiện tượng tâm lý phong phú, đa dạng, phức tạp: từ cảm giác, tri giác, trí nhớ, tư duy, tưởng tượng đến tình cảm, ý chí, năng lực, tính khí, niềm tin, lý tưởng…

Trong tiếng Việt, thuật ngữ “tâm lý”, “tâm hồn” đã có từ lâu. Từ điển Tiếng Việt (1988) định nghĩa một cách tổng quát: “tâm lý” là ý nghĩ, tình cảm, ý chí… làm thành đời sống nội tâm, thế giới bên trong của con người.

Theo nghĩa thông thường, chữ “tâm” thường dùng với các cụm từ “tâm đắc”, “tâm địa”, “tâm can”, “nhân tâm”… và thường có nghĩa như chữ “lòng”, thiên về tình cảm, còn chữ “hồn” thường để diễn đạt tư tưởng, tinh thần, ý thức, ý chí… của con người. “Tâm hồn”, “tinh thần” luôn gắn với “thể xác”.

Như vậy, trong đời thường, một người được cho là sống rất tâm lý nghĩa là người đó ứng xử có tình, có lý, hiểu được người khác để thông cảm, chia sẻ, động viên, an ủi… Đó chỉ là tâm lý ứng dụng trong đời sống hằng ngày.

Ngày nay, như chúng ta đã biết, tâm lý không chỉ được ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày mà nó còn được ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội: y học, thể thao, văn học nghệ thuật, kinh doanh, du lịch, ngoại giao, quân sự, pháp luật…

Ngoài những hiện tượng tâm lý đã được ứng dụng, còn nhiều hiện tượng tâm lý chưa được ứng dụng trong thực tiễn hoặc chưa được nghiên cứu một cách cặn kẽ và giải thích cơ chế của chúng một cách khoa học như các hiện tượng mà các nhà khoa học gọi là “cận tâm lý”. Đời sống tâm lý con người rất đa dạng, phức tạp, phong phú. Nó bao gồm tất cả các hiện tượng tinh thần xảy ra trong quá trình tồn tại và phát triển của cá nhân. Đó là sự phản ánh hiện thực khách quan vào não người, là hình ảnh chủ quan của con người về thế giới khách quan.

Tóm lại, hiện tượng tâm lý là tất cả các hiện tượng tinh thần nảy sinh trong đầu óc của con người, do thế giới khách quan tác động vào não sinh ra, gọi chung là hoạt động tâm lý. “Tâm hồn”, “tinh thần”, “tâm lý” chỉ là những tên gọi khác nhau về hiện tượng tâm lý ở các giai đoạn phát triển khác nhau của lịch sử xã hội.

Hình minh họa. Tâm lý là gì? Tâm lý học là gì?

Trong tiếng Latinh, “Psyche” có nghĩa là “tinh thần”, “linh hồn” và “logos” là “học thuyết”, là “khoa học”, vì thế tâm lý học (Psychologie) là khoa học về tâm hồn.

Trong một thời gian khá dài, tâm lý học được phát triển ngay trong lòng Triết học. Thuật ngữ “tâm lý học” đã xuất hiện từ cuối thế kỷ XVI và trở thành thuật ngữ thông dụng vào giữa thế kỷ XVIII. Ngay từ thời kỳ cổ đại và cho đến ngày nay, trong tâm lý học đã diễn ra những cuộc đấu tranh gay gắt mang tính giai cấp giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật. Vấn đề cơ bản trong các cuộc đấu tranh đó là trả lời các câu hỏi: Tâm lý là gì? Ý thức là gì? Các quá trình tâm lý và sinh lý trong con người có quan hệ qua lại như thế nào?

Theo quan điểm duy tâm, tâm hồn (tâm lý) có bản chất đặc biệt, tồn tại tách rời vật chất. Các hoạt động tâm lý diễn ra theo một cách riêng biệt và không phụ thuộc vào não. Còn quan điểm duy vật biện chứng lại cho rằng tâm lý là sản phẩm đặc biệt của vật chất có tổ chức cao (não), thể hiện khả năng phản ánh thế giới khách quan. Vật chất phải phát triển ở giai đoạn cao nhất là não bộ mới có khả năng phản ánh thế giới khách quan khi có sự tác động qua lại giữa con người và môi trường. Quá trình phản ánh này không phải là một quá trình thụ động mà nó mang tính tích cực, được thể hiện ở chỗ: con người tác động một cách có ý thức vào thế giới khách quan để thay đổi nó, cải tạo nó nhằm thỏa mãn những nhu cầu của chính mình. Tâm lý và sinh lý không tách rời, nhưng cũng không đồng nhất. Chúng gắn bó chặt chẽ với nhau.

Đến cuối thế kỷ XIX, khi đưa thực nghiệm vào lĩnh vực này thì Tâm lý học trở thành khoa học độc lập. Đến ngày nay, Tâm lý học đã có hệ thống các chuyên ngành nghiên cứu hoạt động tâm lý của con người trong các lĩnh vực khác nhau: tâm lý học y học, tâm lý học pháp lý, tâm lý học tội phạm, tâm lý học thể thao, tâm lý học kinh tế, tâm lý học du lịch, tâm lý học kinh doanh, tâm lý học kỹ sư, tâm lý học xã hội…

Tóm lại, Tâm lý học là một ngành khoa học nghiên cứu về tất cả các hiện tượng tinh thần xảy ra trong đầu óc của con người, gắn liền và điều hành mọi hoạt động của con người. Nó nghiên cứu sự nảy sinh, quá trình hình thành và phát triển cũng như cơ chế hình thành của các hiện tượng tâm lý.

Link nội dung: https://dhthaibinhduong.edu.vn/tam-li-la-gi-a36624.html