Phẫu thuật chấn thương sọ não: Các phương pháp mổ và chi phí

Phẫu thuật chấn thương sọ não kịp thời rất quan trọng, đặc biệt là với các trường hợp chấn thương nặng. Vậy phẫu thuật hay mổ chấn thương sọ não như thế nào? Chi phí mổ chấn thương sọ não bao nhiêu?

phẫu thuật chấn thương sọ não

Chấn thương sọ não có nguy cơ cao gây tử vong. Việc chậm trễ trong cấp cứu, chẩn đoán và phẫu thuật chấn thương sọ não có thể làm tăng nguy cơ thương tật và tử vong. Nếu được cứu sống, người bệnh cũng có thể phục hồi chậm hơn.

Mục tiêu của phẫu thuật chấn thương sọ não

Phẫu thuật chấn thương sọ não hay mổ chấn thương sọ não thường được chỉ định cho những người bệnh có mức độ chấn thương từ vừa đến nặng. Mục tiêu của phẫu thuật chấn thương sọ não là can thiệp kịp thời để giảm áp lực nội sọ, loại bỏ khối máu tụ,… nhằm duy trì tưới máu não, cung cấp oxy đầy đủ cho não để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm và tăng khả năng phục hồi ở người bệnh.

Theo Hiệp hội Bác sĩ Phẫu thuật Thần kinh Hoa Kỳ, mỗi năm có khoảng 80.000 đến 90.000 người bị khuyết tật lâu dài hoặc suốt đời liên quan đến chấn thương sọ não. Trong đó, nam giới chiếm khoảng 78,8% và nữ giới là 21,2%. Tỷ lệ bị chấn thương sọ não theo thứ tự từ cao nhất và giảm dần như sau: nhóm người lớn tuổi (≥75 tuổi) > Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (0-4 tuổi) > thanh niên (15 - 24 tuổi) > Các nhóm tuổi còn lại.

Theo đó, chấn thương sọ não là vấn đề thường gặp hơn ở hai nhóm đối tượng là người già và trẻ em. Đây cũng là hai nhóm đối tượng có sức khỏe yếu và dễ gặp nguy cơ có biến chứng phát sinh hay nguy hiểm đến tính mạng.

tư vấn mổ chấn thương sọ não
Chấn thương sọ não có thể khiến người bệnh bị khuyết tật lâu dài hoặc suốt đời

Các phương pháp phẫu thuật chấn thương sọ não

Sau khi bệnh nhân nhập viện, Bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám tổng quan ban đầu, đồng thời chuẩn bị ca phẫu thuật chấn thương sọ não nếu mức độ chấn thương nặng hoặc tình trạng bệnh nhân chuyển biến nặng. (1)

Bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang, CT hay MRI sọ não để đánh giá những chấn thương đã xảy ra như vỡ xương sọ, tăng áp lực nội sọ, có khối máu tụ,… Từ đó, bác sĩ sẽ chọn phương pháp điều trị chấn thương sọ não phù hợp. Hiện có các cách phẫu thuật chấn thương sọ não thường gặp sau đây:

1. Phẫu thuật làm giảm áp lực nội sọ

Áp lực nội sọ bình thường là dưới 20mmHg. Người bệnh bị chấn thương sọ não có hiện tượng nhu mô não bị hoại tử, phù to và làm tăng thể tích khối, gây tăng áp lực bên trong sọ. Khi áp lực nội sọ lớn hơn 20mmHg, người bị chấn thương sọ não sẽ gặp các biến chứng liên quan, bị thiếu máu ở các vùng mô não còn lại hoặc nguy hiểm hơn là thoát vị não.

Lúc này, bác sĩ sẽ kiểm tra một số tiêu chí liên quan ở người bệnh như có bị giãn đồng tử hay không, tăng áp lực nội sọ trong 48 bao lâu… để chỉ định phẫu thuật giảm áp lực nội sọ.

Phẫu thuật làm giảm áp lực nội sọ có tên gọi là phẫu thuật mở nắp sọ giải áp giúp điều trị và tránh biến chứng thoát vị não và tăng tỷ lệ sống ở bệnh nhân. Phương pháp này cần sự thống nhất của gia đình bệnh nhân bởi có thể có nguy cơ gây tàn phế ở người bệnh. (2)

phương pháp phẫu thuật chấn thương sọ não
Phẫu thuật làm giảm áp lực nội sọ là dạng phẫu thuật chấn thương sọ não thường gặp

2. Phẫu thuật loại bỏ máu tụ

Máu tụ trong não là vấn đề có thể xảy ra ở cả chấn thương sọ não kín hoặc hở. Trong trường hợp khối máu tụ hình thành dưới màng cứng hay ngoài màng cứng thì cuộc phẫu thuật chấn thương sọ não sẽ không quá khó khăn. Nếu khối máu tụ nằm ở nhu mô não thì phải tiến hành phẫu thuật với kỹ thuật phức tạp hơn, nguy cơ rủi ro cao hơn. (3)

Tùy theo kích cỡ của khối máu tụ mà ảnh hưởng ít hay nhiều đến chức năng não. Khối máu tụ càng lớn sẽ gây phù nãotăng áp lực nội sọ, gây rối loạn thần kinh. Kích thước khối máu tụ có thể tăng lên trong vài giờ hoặc vài ngày sau chấn thương ban đầu. Chính vì thế, sau khi bị chấn thương sọ não, dù không tiến hành phẫu thuật ngay thì người bệnh vẫn cần được theo dõi sát sao để phòng ngừa tình trạng bệnh trở nặng.

Để loại bỏ khối máu tụ, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp phẫu thuật hở hoặc nội soi. Ưu điểm của phương pháp mổ chấn thương sọ não lấy máu tụ là giúp loại bỏ nhanh khối máu tụ, cầm máu nhanh và giảm được áp lực nội sọ.

3. Phẫu thuật cắt xương sọ

Phẫu thuật chấn thương sọ não cắt xương sọ được thực hiện nhằm giải áp sọ, tạo không gian cho mô não sưng lên và mở rộng ra không bị chèn ép. Phẫu thuật này được thực hiện khi mức áp lực nội sọ cực cao gây đe dọa tính mạng.

Khi được chỉ định mổ ngay, bệnh nhân được đưa vào phòng phẫu thuật và cắt ra một phần lớn xương sọ để não có nhiều thể tích sưng lên. Sau đó, một mô sinh học đặc biệt (vật liệu nhân tạo) sẽ được đặt lên trên phần não đang lộ ra ngoài và bác sĩ sẽ may da đầu đóng lại.

Phần vạt xương sọ đã cắt ra trước đó sẽ được bảo quản và giữ cấp đông ở nhiệt độ phù hợp. Từ 1 đến 3 tháng sau khi hết sưng nề, bệnh nhân ổn định sẽ được tái phẫu thuật để đặt lại sọ tự thân.

phẫu thuật chấn thương sọ não cắt xương sọ
Phẫu thuật chấn thương sọ não cắt xương sọ được thực hiện nhằm giải ép sọ

4. Phẫu thuật loại bỏ sọ hư hỏng

Với những trường hợp chấn thương sọ não nặng sẽ xảy ra tình trạng vỡ nát xương sọ. Lúc này, Bác sĩ không những giải quyết các vấn đề giảm áp lực nội sọ, khối máu tụ,… mà còn xử lý loại bỏ các mảnh xương sọ vụn hoặc cắt bỏ những mảnh sọ đã hư tổn nặng. (4)

Sau khi cắt bỏ phần xương sọ hư hỏng, bác sĩ sẽ phẫu thuật vá sọ (ghép sọ) bằng vật liệu nhân tạo như: lưới Titanium, xi măng sinh học, vật liệu carbon,… để tạo hình lại phần sọ bị khuyết. Nếu không lấp đầy phần sọ bị khuyết sẽ rất nguy hiểm, vì não không được che chắn bảo vệ. Một số nguy cơ khác có thể xảy ra như: động kinh, chậm phát triển tâm thần - vận động và thần kinh.

5. Các phương pháp phẫu thuật chấn thương sọ não khác hỗ trợ bệnh nhân hồi phục

Điều trị không phẫu thuật

Sau khi đã phẫu thuật giải trừ nguy cơ cấp thiết, người bệnh sẽ bước vào giai đoạn điều trị không phẫu thuật.

Hiện tại không có thuốc ngăn ngừa hư tổn thần kinh hay thúc đẩy quá trình chữa lành thần kinh sau phẫu thuật chấn thương sọ não. Người bệnh sau phẫu thuật được đưa đến Phòng Chăm sóc Đặc biệt (ICU) để được chuyên viên Y tế theo dõi và ngăn ngừa tổn thương thứ phát (biến chứng mới sau phẫu thuật) xảy ra.

chăm sóc sau phẫu thuật chấn thương sọ não
Sau phẫu thuật chấn thương sọ não, người bệnh cần được chăm sóc đúng để hạn chế biến chứng.

1. Theo dõi các biến chứng thứ phát

Để ngăn ngừa biến chứng thứ phát sau mổ chấn thương sọ não, Bác sĩ sẽ giữ mức huyết áp bình thường cho người bệnh hoặc có thể tăng nhẹ.

Theo dõi và xử lý ngay những vấn đề khác gây ảnh hưởng thần kinh như: tăng áp lực nội sọ, giảm oxy hóa máu, tăng nhiệt độ cơ thể, tăng đường huyết, các rối loạn cơ thể (nếu có),…

2. Đặt máy theo dõi áp lực nội sọ (ICP)

Bác sĩ sẽ đặt máy theo dõi ICP bên trong hộp sọ, giúp phát hiện tình trạng phù nề quá mức của mô não. Ngoài ra, Bác sỹ còn đặt bổ sung thêm các bộ phận cảm biến khác để đo nhiệt độ não và oxy hóa mô não. Thiết bị cảm biến oxy sẽ phát hiện được lượng oxy mà não đang sử dụng và đánh giá được mức độ tổn thương não.

Biến chứng có thể gặp sau phẫu thuật chấn thương sọ não

Biến chứng sau mổ chấn thương sọ não, nếu có, sẽ gây ảnh hưởng đến thể chất, ý thức, cảm xúc và hành vi của người bệnh.

Phẫu thuật chấn thương sọ não có thể gây biến chứng từ nhẹ đến nặng nhất là tử vong hay tàn tật vĩnh viễn.

nghỉ ngơi sau phẫu thuật chấn thương sọ não
Sau phẫu thuật chấn thương sọ não, người bệnh có thể gặp một số biến chứng liên quan

Phục hồi chức năng sau mổ chấn thương sọ não

Người trẻ tuổi thường có khả năng phục hồi tốt và nhanh hơn sau phẫu thuật chấn thương sọ não. Hầu hết các bệnh viện phục hồi chức năng sẽ ưu tiên trước phương án giúp bệnh nhân học cách biểu đạt chức năng cơ bản về cử động và nói. Việc phục hồi chức năng nhận thức của não sẽ tốn nhiều thời gian hơn, bằng cách người bệnh sẽ tập lập đi lập lại liên tục các nhiệm vụ đơn giản. (5)

Chi phí phẫu thuật chấn thương sọ não bao nhiêu tiền?

Mổ chấn thương sọ não bao nhiêu tiền? Trung bình, chi phí phẫu thuật chấn thương sọ não có giá từ 20 - 80 triệu đồng hoặc có thể cao hơn. Tùy theo độ khó và phức tạp của ca mổ mà chi phí phẫu thuật sẽ tăng thêm. Ví dụ, người bệnh có thể sẽ trả thêm những chi phí cho cấp cứu, bảo quản mô tại ngân hàng mô hay chi phí cấy ghép sọ với vật liệu nhân tạo,…

Nếu người bệnh thực hiện phẫu thuật chấn thương sọ não tại các cơ sở y tế lớn, uy tín thì chi phí này có thể cao hơn. Tuy nhiên, người bệnh sẽ được phẫu thuật hiệu quả, an toàn hơn bởi các bác sĩ nhiều kinh nghiệm và máy móc hiện đại, hỗ trợ tốt nhất cho quá trình phẫu thuật.

Để đặt lịch thăm khám, tư vấn các vấn đề về sức khỏe tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:

Tóm lại, khi không may bị chấn thương sọ não, người bệnh cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán mức độ. Nếu cần phẫu thuật chấn thương sọ não thì nên tiến hành càng sớm càng tốt, giúp giảm tối đa biến chứng thứ phát.

Link nội dung: https://dhthaibinhduong.edu.vn/sau-phau-thuat-nao-bao-lau-thi-tinh-a36865.html