Quengablog

Người Malay có câu: “Việc gì khó hãy để người Hoa làm!” đã thể hiện đầy đủ tính cách - sự chăm chỉ, kiên trì, quyết tâm và thành công của người Hoa tại Malaysia. Theo Tạp chí Forber năm 2014 thì 8 trong số 10 người giàu nhất Malaysia là người Hoa. Bạn sẽ nhận thấy dấu ấn của người Hoa ở khắp các thành phố cổ của đất nước này.

0

Làn sóng di cư đầu tiên của người Hoa đến Malacca vào đầu TK 15, khi mối quan hệ ngoại giao thân thiện giữa Trung Quốc và Malacca ở thời kỳ tốt đẹp nhất, dưới thời trị vì của Sultan Mansur Syah, người đã kết hôn với công chúa Trung Quốc Hang Li Po (Hán Lợi Bảo). Một vị quan lại cao cấp của Trung Quốc và năm trăm người hầu nữ, binh lính bảo vệ đã đi cùng công chúa đến Malacca. Phần lớn trong số họ là người Phúc Kiến. Chính vì vậy mà bạn có thể cảm nhận được “hơi thở Trung Hoa” trên từng con phố của Malacca.

51

Đô đốc Cheng Ho (Trịnh Hòa), người chỉ huy chiến thuyền dưới thời nhà Minh cũng đã mang theo 100 chiến binh độc thân đến Malacca, góp phần đặt nền móng cho sự hình thành một tộc người lai Hoa-Malay. Những hậu duệ của làn sóng di cư này, vừa thích nghi với phong tục của người Mã Lai địa phương, vừa gìn giữ văn hóa của tổ tiên họ. Những người đàn ông lai Hoa-Malay này được gọi là Baba, còn phụ nữ thì gọi là Nyonya. Họ nói ngôn ngữ Creole hay là Baba Malay, một dạng pha trộn giữa tiếng Mã Lai và Phúc Kiến. Bạn sẽ nhìn thấy những hành lang dài được thông từ nhà này sang nhà khác qua những cổng vòng hoặc hình lọ lục bình, đặc trưng cho kiến trúc pha trộn này trong phố cổ Malacca.

55

Lang thang giữa những con phố như thế này, tôi có cảm giác thân quen, có cái gì đó gần gũi, có lẽ vì con phố hẹp và những ngôi nhà mái ngói nhỏ bé giống phố cổ ngày xưa ở Hà Nội. Cả dãy phố đều có kiến trúc đặc trưng Trung Hoa, nhưng mỗi ngôi nhà lại có nét đẹp riêng, và điều quan trọng là chúng được gìn giữ và bảo tồn rất tốt.

54

Con phố tuy hẹp nhưng rất sạch sẽ và tấp nập xe ôtô, nhưng an toàn vì có vỉa hè cho người đi bộ. Nhà nào cũng có mái hiên và thông suốt cả dãy phố, nên khách đi bộ có thể tránh mưa và nắng.

52

Chùa Cheng Hoon Teng là một trong những điểm nổi bật nhất ở Malacca, trên phố Hang Lekiu (ở Jonker Street), cùng với hai ngôi đền lớn của đạo Hindu và đạo Hồi, ngôi chùa Trung Hoa này đã tạo nên một con phố “tôn giáo” đặc biệt. Chùa Cheng Hoon Teng là nơi thờ phượng Phật giáo cổ xưa nhất trong cả nước, được xây dựng vào năm 1646, chùa dành riêng cho Phật Bà Quan Âm.

62

Chùa Cheng Hoon Teng được Chan Lak Koa, con rể của lãnh tụ Li, thủ lĩnh thứ hai người Hoa ở Malacca (Hà Lan đã dùng Công ty Đông Ấn để tạo ra vị trí trung gian, ngăn người da trắng trắng kiểm soát các cộng đồng đa dân tộc của Malacca).

63

Ban thờ bên trong chùa Cheng Hoon Teng, cũng giống như ở nhà mình, có rất nhiều gian và nhiều ban thờ khác nhau. Tôi thấy nhiều người người mặc quần sooc rất ngắn vào chùa, có thể họ là khách du lịch, mà ở đây quanh năm nóng, nhưng nhìn vẫn thấy phản cảm.

64

Một bàn thờ gần giống như thờ Tứ phủ- Tam phủ ở VN, nhưng đơn giản hơn rất nhiều.

65

Đây là ban thờ những người đã khuất gửi lên chùa. Tất cả các bài vị được để trong tủ kính. Có 4 ban thờ như vậy trong chùa.

66

Cạnh chùa là một ngôi nhà kiến trúc Trung Hoa, giữ vai trò giống như đình làng, là nơi người Hoa ở khu phố này đến để hội họp và sinh hoạt truyền thống.

60

Thỉnh thoảng bạn lại bắt gặp những ngôi đền nhỏ màu sắc và kiến trúc Trung Hoa nổi bật, với cánh cửa vẽ hình ông Thiện, ông Ác.

67

Người Phúc kiến nguồn gốc là dân đánh cá, nên thường thờ Thần Biển, người luôn che chở cho họ mỗi chuyến ra khơi. Tại nhiều ngôi đền thờ Thần Biển, người ta thờ cả Quan Công, như vị thần bảo trợ, trừ gian.

69

Những cột gỗ hoặc đá được trạm khắc rồng, uy nghi luôn được dùng để trang trí cho các ngôi đền. Màu đỏ luôn là màu chủ đạo trang trí các đền chùa Trung Hoa và bạn dễ dàng nhận ra từ rất xa.

68

Ngôi nhà này được gọi là Hiệp hội Phúc Kiến ở Malacca, có kiến trúc rất cầu kỳ, cũng nằm trên khu phố cổ Jonker Street. Cột đá trạm rồng hai bên cổng tạo sự uy nghi cho tòa nhà.

56

Bên trong khu nhà được trang trí rất Trung Hoa, chính giữa là bàn thờ (có lẽ là tổ tông những người Hoa di cư đầu tiên???), câu đối và các hàng cột chia ngôi nhà thành 5 gian.

57

Mọi người đang bận rộn lau chùi để chuẩn bị cho buổi lễ tất niên theo lịch Trung Quốc.

58

Tại George Town, Penang có một tòa nhà có tên là Pinang Peranakan Masion nơi lưu giữ di sản Peranakan, văn hóa pha trộn giữa Trung Quốc và Malay bản địa. Bản thân bảo tàng được đặt trong một biệt thự đặc biệt màu xanh lá cây, từng là nơi trú ngụ và văn phòng của một ông trùm Trung Quốc TK 19, Chung Keng Quee.

10

Tòa nhà này lưu giữ và trưng bày hàng nghìn đồ vật Peranakan, đồ cổ và đồ sưu tầm cũng như giới thiệu thiết kế và phong tục nội thất của Peranakan. Tham quan tòa nhà và các kỷ vật ở đây, bạn sẽ hiểu được phần nào quá trình hòa nhập của người Hoa tại Malaysia để tạo nên một dân tộc rất đặc biệt, với nền văn hóa phong phú và đặc sắc. Bạn vẫn nhìn thấy những đôi hài nhỏ xíu, có thể đặt gọn trên bàn tay dành cho các cô gái quý phái Nyonya, dù đã sống nhiều thế hệ ở vùng đất này. Đây là mặt tiền của tòa nhà.

12

Làn sóng di cư thứ hai vào đầu thế kỷ 19 cho đến những năm 1930 khi người Anh cai quản Malaya. Người Hoa nhập cư chủ yếu đến từ các vùng biển tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông, họ bị hấp dẫn bởi cơ hội làm việc trong các mỏ thiếc và trang trại cao su, cũng như khả năng mở mang những nông trại mới.

16

Penang là tiểu bang đặc biệt và duy nhất ở Malaysia có người đứng đầu chính quyền là người Hoa, liên tục từ khi thành lập liên bang. Người Hoa ở Penang là hậu duệ của những người di cư từ miền Nam Trung Quốc, chủ yếu từ Phúc kiến và Quảng Đông. Trong tiếng Quan Thoại, người Hoa Penang phân biệt với Hoa kiều ở nước ngoài khác, vì họ đã có sự giao thoa văn hóa và ngôi ngữ với người Malay địa phương. Ảnh dưới là khu chợ Campbell, trung tâm buôn bán trong khu phố cổ.

5

Mặc dù ngày nay khu chợ này không còn giữ vị trí quan trọng nữa, nhưng nó vẫn mở cửa hàng ngày, cung cấp thực phẩm, nhất là hải sản cho dân địa phương. Bạn sẽ thấy những người Hoa lớn tuổi vẫn cần mẫn làm việc trong chợ như thế này.

6

Thủy thủ Trung Quốc đã khám phá những vùng biển trên đảo Penang vào khoảng đầu TK 15. Dưới triều đại nhà Minh, Đô đốc Cheng Ho (Trịnh Hòa) chỉ huy chiến thuyền đã đi dọc theo eo biển Malacca và đảo Penang đã có trong bản đồ hàng hải của Cheng Ho. Tuy nhiên, chỉ đến TK 18 người Trung Quốc bắt đầu đến đảo Penang nhiều khi Zhang Li, một thủy thủ đến đảo Penang trước thời điểm của thuyền trưởng Francis Light ít nhất một vài thập kỷ đã thành lập làng đánh cá Tanjung Tokong ở bờ biển phía bắc của hòn đảo này.

14

Sau khi Công ty Đông Ấn của Anh do thuyền trưởng Francis Light thành lập George Town vào năm 1786, người dân tộc Trung Quốc đã bắt đầu di chuyển đến Penang ngày càng nhiều, bao gồm cả người Hoa-Malay Peranakan, hậu duệ người Hoa sống dọc theo bờ biển phía tây bán đảo Malay và những người nhập cư mới từ Trung Quốc. Đến năm 1850 người Hoa là nhóm sắc tộc lớn nhất ở Penang. Các cửa hàng ăn người Hoa ở khắp nơi, vẫn mang đến cho du khách những hương vị đặc biệt Trung Hoa trên đất Malaysia.

3

Vào thời điểm đó, có sự khác biệt giữa Peranakan (người lai Hoa-Malay) và những người mới đến từ Trung Quốc. Cư dân sinh sống ở bán đảo Mã Lai, người Peranakan thường nói tiếng Creole, kết hợp giữa ngôn ngữ Phúc kiến và Malay, dần dần phát triển thành Penang Phúc kiến. Người Peranakan cũng đã phát triển một nền văn hoá lai tạo khác biệt, kết hợp ảnh hưởng của người Mã Lai và Trung Quốc, và trung thành với vương triều Anh quốc hơn người Hoa mới nhập cư, do đó được hưởng nhiều đặc ân của vua. Mặt khác, hầu hết những người mới nhập cư từ đại lục không có tiền và lại mang nặng phong cách Trung Quốc, trong khi người Peranakan được hưởng hệ thống giáo dục Anh quốc ở Penang. Vì vậy, những người Hoa mới đã thành lập các trường người Hoa đầu tiên ở Penang.

4

Theo thời gian, những người Hoa từ đại lục di cư sang dần dần cũng hòa nhập với nền văn hóa kết hợp với bản địa, tạo thành môt cộng đồng người Hoa -Malay lớn mạnh. Trong thời gian đầu cách mạng, Tôn Trung Sơn cũng nhận được sự ủng hộ tài chính rất lớn từ cộng đồng này. Đây là nhà băng Trung Quốc đầu tiên ở George town và cũng là điểm khởi đầu cho một trung tâm tài chính của thành phố cảng sầm uất này.

9

Biệt thự Cheong Fatt Tze là một di sản được chính phủ công nhận ở George Town, Penang. Bức tường bên ngoài của dinh thự có màu xanh chàm (pha trộn vôi với thuốc nhuộm xanh tự nhiên) nên đôi khi được gọi là The Blue Mansion.

8

Được thương gia Cheong Fatt Tze xây dựng vào cuối thế kỷ 19, biệt thự có 38 phòng, 5 sân hiên bằng đá cẩm thạch, 7 cầu thang và cửa sổ bằng gỗ nguyên bản. Đây là nơi ở riêng của ngài Cheong và cũng là trụ sở kinh doanh của ông tại Penang.

1-1

Khoo Kongsi là một tòa nhà gia tộc Trung Quốc lớn nhất ở George town, với kiến trúc và trang trí tinh xảo, một dấu ấn về sự hiện diện chi phối của người Hoa ở Penang vào cuối thế kỷ 19, bao gồm một tòa nhà liên kết, một nhà hát truyền thống và nhà nghỉ cho các thành viên trong gia tộc, tất cả nằm xung quanh một sân lớn lát đá granit. Tòa nhà gia tộc Khoo Kongsi của dòng họ Leong San Tong, tổ tiên thuộc Phúc Kiến. Khoos là một trong số những thương gia người Hoa di cư giàu có vào TK 17 ở Malacca và Penang. Vào TK 19, gia tộc lớn giống như một làng gia tộc thu nhỏ, có tổ chức giáo dục, tài chính, phúc lợi. Tòa nhà gia tộc được xây dựng từ năm 1851, nhưng đã bị sét đánh năm 1901 và người Hoa tin rằng đó là vì nó giống cung điện Hoàng gia, do vậy năm 1902 đã xây dựng lại và thu nhỏ, lúc đó gia tộc Khoo đang ở đỉnh cao của sự giàu có trong xã hội Penang.

2-1

Chùa Quan Âm được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1728, là ngôi chùa cổ nhất Penang.

17

Ngày nay, chùa được dành riêng để thờ Phật Bà Quan Âm, nhưng khi xây dựng, ngôi đền đã dùng để thờ thần Biển. Sau khi dòng người Hoa di cư đến George Town và thành lập khu định cư năm 1786, đền thờ chuyển thành chùa dành riêng cho Phật Bà Quan Âm từ năm 1824, đồng thời cũng là trung gian hòa giải giữa cộng đồng người Hoa Quảng Đông và Phúc Kiến.

19

Bạn sẽ nhìn thấy những quầy bán vàng mã và hương bên cạnh chùa giống như ở VN, nhưng hương ở đây không chỉ bó nhỏ như nhà mình mà còn có những nén hương rất lớn, to như nòng đại bác!

18

Người Hoa ở Malaysia sống chủ yếu ở các thành phố lớn, thuộc tầng lớp trung lưu và giàu có, là chủ nhân của nhiều lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Tuy nhiên, tỷ lệ người Hoa ở Malaysia đã giảm dần từ 37,6% năm 1957 xuống còn 24,6% năm 2010, vì tỷ lệ sinh con thấp và mức độ di dân ra khỏi Malaysia đến các nước phát triển cao trong những thập kỷ gần đây (phần nhiều trong số họ là thanh niên và có trình độ học vấn cao). Trước khu thương mại lớn nhất Kuala Lumpur KLCC là biểu tượng năm mới theo lịch Trung Quốc.

49

Ngôi đền Guan Di (Quan Đế) trên phố Tun Lee là ngôi đền thiêng liêng của người Hoa ở đây. Trong đền có một vũ khí bằng đồng của Trung Quốc nặng tới 59kg, mà những người đến đền đều xoa tay vào để cầu may. Họ tin rằng nếu có thể nâng vũ khí này lên thì họ sẽ được truyền sức mạnh và sự may mắn.

31

Nguồn gốc của ngôi đền này là thờ tướng Guan Di (Quan Đế - Quan Vân Trường), một chiến binh dũng cảm và có kỹ năng chiến đấu tuyệt vời. Trong đền người ta thắp hương và cúng lễ giống ở nhà mình.

32

Họ cũng đốt vàng mã và sớ để cầu xin sức mạnh và điều may mắn.

33

Bạn sẽ thấy có rất nhiều người trẻ đến đây cúng lễ.

36

Có rất nhiều ban thờ, và trên một số ban thờ có nhiều tượng. Tôi không biết nên hỏi ai để có thể biết được danh tính cũng như nguồn gốc của từng bức tượng, nên chỉ biết giới thiệu chung vậy thôi.

35

Và cung tiến đóng góp từ thiện xây dựng đền cũng giống như ở nhà mình vậy.

40

Cũng có những người hành lễ khác nhau, với người phương tây có lẽ sẽ không hiểu nổi tại sao lại có chuyện hai người đứng cúng lễ như thế này. Là người Việt, tôi chỉ quen suy từ nhà mình ra, có rất nhiều người đi lễ ở đền chùa nhưng không biết gì về các bức tượng và phải cúng lễ ra sau, họ chỉ làm theo những gì người khác làm, việc duy nhất là cầu xin càng nhiều, càng tốt.

39

Nơi hóa vàng là một tòa tháp nhỏ đặt ngay giữa sân đền, không giống như nhà mình là ở một góc khuất. Việc “chuyển tiền” và “tấu thư” nên thực hiện ở ngân hàng và bưu điện, nơi luôn được xây dựng ở vị trí trung tâm nhất thành phố.

37

Đền Chan See Shu Yuen là một trong những đền thờ lớn nhất và cổ nhất còn sót lại ở Malaysia.

42

Nằm ở cuối phía nam Jalan Petaling, đền đặc trưng vì có không gian mở điển hình và các gian thờ đối xứng và được trang trí bằng tranh vẽ đầy màu sắc, đồ khắc bằng gỗ và đồ gốm.

43

Được xây dựng từ năm 1897 đến năm 1906, đây là một ngôi đền phức tạp: từ bên ngoài bạn có thể nhìn thấy mái nhà, hàng rào bằng vữa và bằng đất nung đặc biệt được trang trí bằng những bức tranh gốm dài, kể về lịch sử và cảnh huyền thoại của Trung Quốc .

48

Đằng sau một tấm kinh trong ngôi đền chính là bức tượng của ba vị thần của đền Chan Shu Yuen, chính giữa là thần Chong Wah - một hoàng đế của triều đại nhà Tống; phía trên họ là bức tranh tường của mặt trời vàng rực rỡ. Trang trí bên cạnh là bình gốm màu xanh và tượng nhỏ của nông dân (người giám hộ của đền) với những cây cột được treo đèn lồng. Ban thờ đặc biệt có những bức tượng mặc trang phục thời nay, cầm biểu tượng cờ và vũ khí.

44

Một ban thờ Đức Phật Bà Quan Âm được đặt trong đền, cho thấy tín ngưỡng thờ Phật và Nho giáo, Khổng giáo thường được kết hợp trong một ngôi đền Trung Hoa.

47

Nội thất của đền chính có trụ cột với những cảnh chiến binh chiến đấu với sư tử, rồng và các sinh vật thần thoại khác. Sát mái nhà là những bức tranh cây hoa, phong cảnh được trạm, khảm công phu.

45

Và ngay cả tại Trung tâm thương mại lớn KL Sentral bạn cũng nhìn thấy hình ảnh Trung Quốc nổi bật giữa sảnh chính của Trung tâm.

50

Người Hoa là một dân tộc lớn ở Malaysia, họ đã đóng góp vào lịch sử, văn hóa, tôn giáo và sự phát triển thịnh vượng của đất nước này trong nhiều thế kỷ. Đó là lý do mà bạn luôn cảm thấy hơi thở Trung Hoa trên từng con phố ở Malaysia.

Link nội dung: https://dhthaibinhduong.edu.vn/nguoi-hoa-o-malaysia-a36904.html