Dự báo các ảnh hưởng lớn tới giáo dục Việt Nam trong năm 2024

Trong bối cảnh toàn thế giới trải qua nhiều biến động và ảnh hưởng mọi mặt kinh tế xã hội toàn cầu, giáo dục thế giới năm qua có những thay đổi rất đáng quan tâm. Các thay đổi đó cũng được dự báo tiếp diễn và ảnh hưởng lên giáo dục toàn cầu và Việt Nam trong năm 2024.

Năm 2023 vừa qua với nhiều biến động ở mọi mặt của xã hội. Riêng đối với ngành giáo dục, như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận xét, năm qua là một năm “bứt phá của đổi mới giáo dục”. Một năm vừa phải tiếp tục khắc phục hậu quả của covid -19 cùng suy thoái kinh tế, vừa phải củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo một cách thực sự triệt để hơn.

Trong bối cảnh toàn thế giới trải qua nhiều biến động và ảnh hưởng mọi mặt kinh tế xã hội toàn cầu, giáo dục thế giới năm qua cũng có những thay đổi đáng quan tâm. Các thay đổi đó cũng được dự báo tiếp diễn và ảnh hưởng lên giáo dục toàn cầu và Việt Nam trong năm 2024.

Theo đó, dưới đây là đánh giá lại những thay đổi của giáo dục Việt Nam trong năm 2023, những dự báo cho năm 2024 và tương quan bức tranh giáo dục toàn cầu.

Dự báo các ảnh hưởng lớn tới giáo dục Việt Nam trong năm 2024 -0

Năm 2023 là một năm các chính sách vĩ mô của giáo dục Việt Nam được đưa ra thảo luận và phân tích ở cả bên trong và bên ngoài nghị trường. Sự quan tâm của xã hội bắt đầu từ những sai phạm của NXB Giáo dục Việt Nam trong việc xã hội hóa sách giáo khoa.

Công bằng mà nói, việc xã hội hóa sách giáo khoa đã mang lại lợi ích to lớn cho ngân sách nhà nước tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng. Xã hội đã có được nhanh chóng nhiều bộ sách giáo khoa mang hơi thở mới đầy tính cách mạng của chương trình giáo dục quốc gia 2018, một chương trình được kỳ vọng sẽ mang lại đổi mới toàn diện cho giáo dục phổ thông.

Nhưng khi triển khai và đặt mục tiêu xã hội hóa thì mục tiêu bình đẳng cho giáo dục lại khó giải quyết khi chi phí sách giáo khoa tăng nhanh và trở thành gánh nặng cho các gia đình có thu nhập thấp.

Dự báo các ảnh hưởng lớn tới giáo dục Việt Nam trong năm 2024 -0

Theo thống kê, sách giáo khoa chương trình 2018 đã tăng giá từ 2-4 lần so với sách giáo khoa 2006. Do đó, một số lượng lớn học sinh thuộc các gia đình thu nhập thấp đã rất vất vả với các khoản chi phí đầu năm, đặc biệt là chi phí cho sách giáo khoa.

Trong nghị trường, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phải lên tiếng gay gắt về thực trạng về bất cập của giá sách giáo khoa. Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng năm 2024 được dự báo sẽ triển khai xây dựng một bộ sách giáo khoa mới do Nhà nước chủ trì nhằm hướng tới một bộ sách với chi phí hợp lý cho các khu vực kinh tế còn khó khăn.

Năm 2024 cũng sẽ là năm triển khai thông tư hướng dẫn mới về việc lựa chọn sách giáo khoa. Thay đổi quan trọng nhất của thông tư mới là việc chuyển vai trò của việc lựa chọn sách giáo khoa từ Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh sang cấp trường học.

Thay đổi này thể hiện sự trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các hiệu trưởng, giáo viên trực tiếp và thể hiện được bản chất của việc sách giáo khoa là tài liệu dạy và học chứ không còn là khuôn mẫu bắt buộc.

Dự báo các ảnh hưởng lớn tới giáo dục Việt Nam trong năm 2024 -0

Năm 2023 là năm mà nhà giáo được quan tâm và các chính sách cho nhà giáo được thảo luận nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo bền vững dài hạn. Tháng 8.2023, sau làn sóng 9.000 giáo viên nghỉ việc, lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tổ chức đối thoại trực tiếp với giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên trong ngành giáo dục của cả nước.

Cuộc đối thoại được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Bộ GD-ĐT và kết nối với 63 điểm cầu trực tuyến trên cả nước. Cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và các thầy cô là một trong những sự kiện đánh dấu sự đổi mới của Bộ GD-ĐT lắng nghe và đồng hành cùng giáo viên. Từ tháng 7/2023 toàn bộ đội ngũ nhà giáo cũng được tăng lương trung bình 20% theo chính sách tiền lương mới.

Bên cạnh đó trong tháng 6.2023, Chính phủ thống nhất thông qua Đề nghị ban hành Luật Nhà giáo, đồng nhất quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu” và nhà giáo "giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục".

Chính phủ nhất trí thông qua đề xuất của Bộ Giáo dục về sự cần thiết ban hành Luật và 05 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo gồm: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý nhà nước về nhà giáo.

Luật Nhà giáo được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là bộ luật đặc biệt khó, có tác động rộng lớn trong xã hội. Từng chính sách trong Luật có sự đóng góp ý kiến thẳng thắn và rộng rãi từ các thầy cô giáo, các cán bộ cấp cơ sở, các chuyên gia, nhà khoa học. Bộ GD&ĐT hiện đang tiến hành các công việc liên quan, dự kiến đề nghị Chính phủ thông qua vào tháng 3.2024 và trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Với nhiều nỗ lực giải quyết các vấn đề then chốt, căn bản của giáo dục, đồng thời cũng mạnh mẽ với những ý kiến mang tính chuyên môn sâu sắc, Bộ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Kim Sơn đã tạo được niềm tin và uy tín với đội ngũ nhà giáo và chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục.

Link nội dung: https://dhthaibinhduong.edu.vn/mang-giao-duc-viet-nam-a38215.html