SỐT GIẢM BẠCH CẦU

Hình 1. Sốt giảm bạch cầu xảy ra khi thân nhiệt bệnh nhân từ 38.0°C trở lên

(Nguồn ảnh: Internet)

Xử trí sốt giảm bạch cầu

Nếu xuất hiện sốt từ 38.0°C trở lên bạn cần gọi ngay cho bác sĩ. Bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh đường tĩnh mạch rất sớm trong sốt giảm bạch cầu để dự phòng nhiễm trùng máu. Kháng sinh phổ rộng thường được lựa chọn bởi các thuốc này có thể điều trị nhiều loại nhiễm trùng.

Các xét nghiệm chẩn đoán nhiễm trùng sẽ được chỉ định nếu bạn có sốt giảm bạch cầu, bao gồm: X-quang ngực, cấy máu, xét nghiệm nước tiểu, kiểm tra đường truyền trung tâm, khám da và, nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nhiễm trùng cụ thể nào, các triệu chứng này cũng sẽ được khám xét và đánh giá cụ thể. Ví dụ, nếu bạn có sốt, đau dạ dày và đi ngoài phân lỏng, bác sĩ có thể chỉ định chụp CT ổ bụng và xét nghiệm phân.

Nếu tìm ra nguyên nhân gây sốt, bác sĩ sẽ chỉ định các kháng sinh đặc hiệu hơn. Paracetamol (hay còn gọi là acetaminophen) có thể được dùng để “cắt” sốt. Khi sốt đã được “cắt”, bạn có thể sẽ đổ rất nhiều mồ hôi.

Nếu sốt kéo dài trên 24 giờ, bác sĩ có thể chỉ định lặp lại các xét nghiệm chẩn đoán nhiễm trùng. Các xét nghiệm này có thể được tiến hành mỗi 24 giờ cho tới khi bạn hết sốt. Thông thường việc tìm kiếm ổ nhiễm trùng trên bệnh nhân giảm bạch cầu không mang lại kết quả cụ thể. Điều quan trọng là cần tiếp tục điều trị với kháng sinh cho tới khi hết sốt và số lượng bạch cầu khôi phục lại ngưỡng bình thường. Khi bạn không còn giảm bạch cầu, bác sĩ có thể ngừng kháng sinh, và nếu bạn đã cắt sốt được 24 giờ, bạn có thể trở về nhà. Trường hợp tìm thấy ổ nhiễm trùng, bạn sẽ cần điều trị đủ liệu trình kháng sinh.

Trong thời gian giảm bạch cầu, bạn có thể thực hiện các khuyến cáo sau để phòng ngừa sốt giảm bạch cầu:

· Rửa tay. Khuyến cáo này áp dụng với bệnh nhân và những người xung quanh.

· Không đi đến nơi đông người - nơi bạn có thể tiếp xúc với các mầm bệnh, như trung tâm thương mại, nhà thờ, chùa, đền, hoặc các địa điểm tụ tập công cộng. Nếu cần phải đến những nơi này, hãy tránh giờ cao điểm để tránh đám đông.

· Không đến gần những người đang ốm (bao gồm cảm lạnh), ngay cả khi đó là người thân trong gia đình.

· Tránh tiếp xúc với trẻ em hoặc người lớn mới tiêm vắc-xin.

· Không tiếp xúc với chất thải của động vật (ổ mèo, lồng chim, bể cá, chuồng gà, vv.)

· Nếu bạn có đặt catheter trung tâm (PICC, Port, Hickman), hãy cẩn thận giữ sạch và khô. Kiểm tra vùng da khu vực đó hàng ngày nếu có tấy đỏ hoặc đau.

· Vệ sinh răng miệng hàng ngày.

· Bôi kem chống nắng (SPF 15 hoặc cao hơn) để phòng cháy nắng.

· Cạo râu bằng máy cạo để tránh các vết cắt, chảy máu có thể dẫn tới nhiễm trùng.

· Cẩn thận tránh các vết xước/cắt/bị thương. Tránh các môn thể thao đòi hỏi tiếp xúc. Mang bao tay khi làm việc nhà.

· Không sử dụng viên đặt trực tràng.

· Không can thiệp nha khoa mà không báo trước cho bác sĩ điều trị.

· Không chích ngừa vắc-xin mà không báo trước cho bác sĩ điều trị.

· Phụ nữ không nên sử dụng tampon trong thời gian giảm bạch cầu bởi điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và hội chứng sốc nhiễm khuẩn. Thay vào đó hãy sử dụng băng vệ sinh.

· Trong thời gian giảm bạch cầu bệnh nhân không nên quan hệ tình dục hay sử dụng các dụng cụ nhét vào âm đạo/hậu môn hoặc quan hệ tình dụng bằng miệng bởi việc này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ lo lắng nào liên quan đến việc quan hệ tình dục.

Hình 2. Trong thời gian giảm bạch cầu, bệnh nhân và những người xung quanh cần rửa tay thường xuyên để phòng ngừa sốt giảm bạch cầu (Nguồn ảnh: Internet)

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

· Rửa sạch trái cây và rau xanh trước khi ăn.

· Tránh ăn các loại thịt/cá tái hoặc sống. Thịt cần được nấu chín đến nhiệt độ an toàn.

· Chỉ sử dụng trứng, sữa, sữa chua, phô mai, và các sản phẩm không qua giết mổ, nước trái cây và mật ong nếu các sản phẩm này đã được tiệt trùng.

· Tránh ăn các loại phô mai lên men lâu và phô mai xanh: Brie, Camembert, Roquefort, Stilton, Gorgonzola, Bleu.

· Đối với xúc xích, thịt nguội cần làm nóng tới khi bốc hơi hoặc nhiệt độ 80 độ C.

· Chỉ ăn các thực phẩm còn hạn sử dụng.

· Tránh đồ ăn buffet, quầy sa-lát và các khay đồ ăn trong quầy tự phục vụ.

· Tuân thủ 4 bước cơ bản vệ sinh an toàn thực phẩm sau:

+ Sạch - Rửa sạch tay trước khi chế biến thực phẩm và giữ nơi làm việc sạch sẽ.

+ Riêng rẽ - Tránh lây nhiễm chéo. Bảo quản thịt gia súc/gia cầm sống và đồ ăn đã nấu chín tại các khu vực riêng.

+ Nấu chín - Sử dụng nhiệt kế thực phẩm để đảm bảo thịt được nấu chín tới nhiệt độ an toàn.

+ Đông lạnh - Trữ thực phẩm vào ngăn mát/ ngăn đông ngay lập tức.

Khi nào cần liên hệ với bác sĩ?

Sốt giảm bạch cầu là một cấp cứu! Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nhiễm trùng nào, bạn cần gọi bác sĩ ngay lập tức.

Các dấu hiệu và triệu chứng nhiễm trùng bao gồm:

· Kiểm tra thân nhiệt 2 lần một ngày hoặc bất kỳ khi nào bạn cảm thấy có dấu hiệu sốt. Nếu thân nhiệt trên 38 độ, bạn cần gọi bác sĩ ngay lập tức.

· Không tự ý sử dụng paracetamol (Panadol) hoặc aspirin để hạ sốt mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

· Rét run.

· Ho, đau họng, khó thở.

· Tiểu nóng, tiểu rát hoặc đau lưng dưới mới khởi phát.

· Tiểu ra máu.

· Tiêu chảy (diễn biến nặng dần) hoặc mùi phân thay đổi.

· Nổi mẩn đỏ, hoặc sưng nóng trên da.

· Vùng da quanh chỗ đặt catheter trung tâm, ống nuôi ăn hoặc miệng vết thương bị ửng đỏ, đau nhức.

· Miệng/họng đau hoặc sưng nề, có các vết loét hoặc các mảng trắng trong miệng, hoặc thay đổi màu sắc nướu.

Sốt hay nhiễm trùng ở bệnh nhân hạ bạch cầu là một cấp cứu. Hãy đảm bảo bạn có số điện thoại của bác sĩ để liên lạc trong giờ hành chính và một số điện thoại khẩn cấp để có thể gọi ngoài giờ hành chính. Các số điện thoại này cần được lưu lại gần vị trí đặt điện thoại bàn hoặc lưu lại trong danh bạ di động. Đừng chần chừ mà hãy gọi ngay cho bác sĩ và tuân thủ các chỉ dẫn từ bác sĩ. Nguồn: Trang thông tin dành cho bệnh nhân ung thư Oncolink: https://www.oncolink.org

Đường dẫn: https://www.oncolink.org/cancer-treatment/hospital-helpers/oncologic-emergencies/neutropenic-fever truy cập ngày 20/4/2024

Biên dịch: DS. Chu Hà My - Khoa Dược, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

Hiệu đính: ThS. BS. Nguyễn Thanh Hằng - Phòng Hợp tác quốc tế và Nghiên cứu khoa học, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

Link nội dung: https://dhthaibinhduong.edu.vn/sot-giam-bach-cau-a39304.html