Người ta nói trên đời này có ba loại bạn …

Người ta nói trên đời này có ba loại bạn: Bạn vì một lý do nào đó, bạn ở một thời điểm nào đó, và bạn cho cả đời (friends for a reason, friends for a season, and friends for a lifetime).

“Bạn vì một lý do” là những người bạn mà ta quen vì một mục đích nhất định. Ví dụ, những người ta học chung một lớp, bạn hàng làm ăn, bạn cộng tác chung dự án… Chúng ta thường tìm đến họ vì một mục đích nhất định, trong một hoàn cảnh nhất định, lặp đi, lặp lại. Khi mục đích này không còn (như sau khi ta ra trường, chuyển chỗ làm, ngừng dự án…), chúng ta cũng không nhất thiết phải gặp nhau nữa. Tình bạn này có còn tiếp tục được duy trì, vượt lên lý do và mục đích ban đầu hay không, tất cả là ở quyết định ở cả hai phía.

“Bạn ở một thời điểm” là những người mà ta gặp gỡ thường xuyên trong một thời điểm nhất định nào đó trong cuộc đời. Ví dụ như những người hàng xóm tạm thời, những người ta từng “say nắng”, những người ta mới gặp nhưng đã có cảm tình, những người “bạn của bạn của bạn” … Họ trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời ta trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng sau đó, ta không còn gặp gỡ và liên hệ thường xuyên nữa. Đôi khi có lý do nào đó khiến thời điểm thân thiết này qua đi, nhưng đôi khi, chẳng vì lý do gì cả. Cuộc sống tiếp diễn, cuộc đời sang trang, và chúng ta tự khắc xa nhau.

“Bạn cho cả đời” là những người mà ta gắn bó và làm bạn trong suốt cả cuộc đời mình. Ta có thể bắt đầu quen bạn vì một lý do nào đó, thân thiết trong một thời điểm nào đó, nhưng khi lý do không còn, thời điểm qua đi, ta vẫn tiếp tục làm bạn. Nhìn vào nhau, chúng ta có thể thấy cả một tương lai ở phía trước, khi chúng ta già đi, cuộc sống đẩy đưa, đường đời rẽ sang nhiều hướng… nhưng ta vẫn có thể tiếp tục là bạn tốt của nhau.

Bạn có nhiều nhất loại bạn nào?

Thực ra, ai trong chúng ta cũng ta cũng có ba loại bạn này. Đôi khi, khó có thể tìm ra ranh giới rõ ràng giữa các loại bạn. Tất cả đều lồng ghép, đan xen, biến hóa, và gợi mở lẫn nhau. Điều quan trọng là, không có loại bạn nào là xấu cả. Ai cũng nên và cũng sẽ có những tình bạn theo chiều hướng khác nhau. Sự phân định về bạn bè này chỉ là một góc nhìn tự nhiên về cách chúng ta gặp gỡ, làm bạn với nhau, và duy trì tình bạn.

Khi còn học đại học, tôi là một sinh viên rất năng động, tham gia vào rất nhiều hoạt động đoàn thể trong trường học và cả ngoài xã hội. Tôi tập trung vào 30% tính cách hướng ngoại ít ỏi của mình để biến bản thân thành một con người sôi nổi. Tôi từng làm quen với rất nhiều người và rất nhiều người cũng biết đến tôi. Ngày đó, tôi chưa bao giờ nghĩ xem những người mình quen thuộc loại bạn gì. Thành thực mà nói, tôi cũng chẳng quan tâm. Đối với tôi, bạn là bạn, thế thôi! Giờ nhìn lại những ngày tháng đó, tôi nghĩ phần lớn những người bạn mình dành nhiều thời gian cùng là “bạn vì một lý do” — như những bạn tôi quen ở lớp học đại học, ở các tổ chức tình nguyện, từ các hoạt động cộng đồng… Nhưng cũng vì tôi có quá nhiều mối quan tâm và quá bận rộn với nhiều chương trình, những người “bạn vì một lý do” này cũng sớm chuyển hóa thành “bạn ở một thời điểm” bởi vì cứ sau một thời gian gắn bó, tôi lại chuyển hướng mới và không còn duy trì liên lạc thường xuyên với họ như trước nữa. Bản thân những người bạn của tôi cũng rất sôi nổi, bởi vậy họ có những chương trình riêng, những mối quan tâm riêng, và dần không có nhu cầu gặp gỡ tôi nữa — mặc dù tất cả các mối quan hệ này vẫn còn rất tốt đẹp.

Sau này ra trường đi làm, tôi chập chững bắt đầu những mối quan hệ với những người gọi là “đồng nghiệp”. Tôi tự hỏi: Liệu đồng nghiệp có phải là bạn? Chắc chắn họ là bạn bè, theo cái cách thông thường chúng ta vẫn gọi nhau. Đồng nghiệp của tôi là những người rất tốt, có học thức, và quan tâm nhiều đến nhau. Nhưng họ không hẳn là bạn bè theo cái cách tự nhiên, vô ưu vô lo như trước đây; có những quy tắc lịch sự, những điều nên và không nên bàn về công việc và cuộc sống mà đồng nghiệp cần tôn trọng lẫn nhau. Bởi vậy, mặc dù đồng nghiệp có thể là bạn (“bạn đồng nghiệp”) nhưng không phải đồng nghiệp nào cũng có thể trở thành bạn.

Cùng thời điểm tôi đang loay hoay về tình bạn công sở thì những người bạn “truyền thống” của tôi cũng bắt đầu đi làm. Ngày càng bận rộn hơn với những mối quan hệ xã hội mới, thời gian bạn bè cũ gặp nhau ít hẳn đi. Có những người bạn mà trước đây tuần nào cũng gặp đôi ba lần, “nấu cháo” điện thoại, rồi chát chít trên mạng cả đêm thì giờ chỉ có thể gặp nhau vào cuối tuần, tranh thủ giữa giờ nghỉ trưa, hoặc đợi đến khi có dịp cưới hỏi nào đó mới gặp được đông đủ. Có những người bạn tôi vẫn rất gắn bó nhưng một năm chỉ gặp nhau có một vài lần.

Cuộc sống càng bận rộn càng làm tôi thấy khó hiểu về tình bạn. Tôi thực chất có những người bạn nào? Mối quan hệ nào nên chỉ là “xã giao”? Mối quan hệ nào nên là bền vững? Tôi thực sự không có câu trả lời …

Bất ngờ, tất cả những băn khoăn này đều trở nên sáng tỏ khi tôi chuyển sang sống ở nước ngoài. Nghe có vẻ ngược đời nhưng sự thật là, việc xa cách bạn bè khiến cho tôi nhận ra rõ ra rằng phần lớn những người bạn thân của mình là “bạn cả đời”.

Rời xa cuộc sống cũ và những mối quan hệ quen thuộc, tôi và nhiều người “bạn vì lý do” không còn nhu cầu giữ liên lạc nữa — rất nhiều mối quan hệ tôi từng có giờ chỉ còn nhớ đến nhau qua những cái “likes” trên mạng xã hội. (Đây là một điều hoàn toàn bình thường — không ai có thể giữ liên lạc khăng khít với tất cả mọi người mình quen trong một thời gian dài. Liên hệ thường xuyên hay không không nói lên ai là bạn tốt, ai là bạn xấu - chỉ là những kiểu bạn bè khác nhau mà thôi). Tương tự, khi bắt đầu cuộc sống mới, tôi cũng chưa thể quen thân và tin tưởng những người mới ngay để có thể tạo thành “bạn ở một thời điểm”. Vì vậy, những gì tôi còn lại là “bạn cả đời”. Những người bạn này mặc dù vẫn ít xuất hiện nhưng thường xuyên nghĩ về tôi và dõi theo những hoạt động của tôi. Tôi nhận ra mình may mắn khi có những người bạn thân mà chẳng vì một lý do gì tự nhiên một ngày gửi một tấm ảnh vu vơ với lời nhắn: “Nhớ mày”. Rồi có những người bạn mà tôi chẳng hề đến dự đám cưới, chẳng có mặt ngày con bạn ra đời nhưng mỗi lần về Việt Nam là vợ/chồng bạn, con bạn đều hồ hởi: “Chào “cô” Chi, … hay nhắc đến “cô” nhiều lắm!” Mỗi lần như vậy tôi cảm thấy rất xúc động, tưởng như mình chưa bao giờ đi xa vậy.

Vậy là sau rất nhiều năm cố gắng sống một cuộc sống sôi nổi, hành xử như một người hướng ngoại, làm quen với đủ mọi loại người, cuối cùng, những gì tôi còn lại vẫn là “bạn cả đời” — những người biết tôi từ những thuở rụt rè, nhút nhát, khi tôi còn chưa có gì trong tay, khi chơi với nhau chẳng vì một lý do nào cả… Và đây có lẽ là điều bất ngờ nhất và kỳ diệu nhất tôi nhận ra khi mình biết chấp nhận một cuộc sống có thể cô đơn hơn, thu mình hơn, nhưng giản dị hơn và chân thành hơn.

Nhưng tôi chắc chắn không phải một trường hợp điển hình. Vì là người sống nội tâm, tôi có xu hướng tự nhiên thiên về những mối quan hệ lâu dài và có chiều sâu. Tôi thường mất nhiều thời gian hơn người khác để làm quen và tin tưởng một ai đó. Bởi thế, rất dễ hiểu vì sao “bạn ở một thời điểm” của tôi hầu như không có. Trong khi đó, chồng tôi hoàn toàn ngược lại. Anh ấy là một người hướng ngoại, dễ nói chuyện, dễ bắt chuyện, và rất thích gặp người lạ. Ai cũng thích anh ấy. Thế nên mỗi lần có lời mời dự tiệc, tôi thường mang chồng tôi theo vì anh ấy có thể dễ dàng thu hút sự chú ý của đám đông và làm cho mọi người có một khoảng thời gian vui vẻ (còn tôi chỉ việc đứng cạnh cười phụ họa như phu nhân chính khách :D). Cũng vì làm quen với người mới nhanh, phần lớn bạn bè của chồng tôi là “bạn vì một lý do” hay “bạn ở một thời điểm”. Những người bạn này vô cùng hữu ích! Vì các mối quan hệ đều dựa trên một lý do nào đó, chồng tôi biết đích xác nếu cần sự giúp đỡ thì phải tìm đến ai, họ có thể giúp được những gì. Và vì có những mối quan hệ thân thiết trong một thời điểm nhất định, khi có việc gấp cần sự giúp đỡ, những người bạn này thường xuyên xuất hiện đúng thời điểm. Tôi không thể kể hết những lần bạn ở chỗ làm, bạn mới quen, bạn hàng xóm của chồng tôi đã giúp chúng tôi chuyển nhà, đưa đón, tìm việc… nhiều và hữu ích đến thế nào. Vì những người “bạn cả đời” của tôi đều ở xa hoặc không thể có mặt đúng thời điểm, những người bạn mới của chồng tôi đã giúp chúng tôi rất nhiều. Mặc dù quan hệ chúng tôi có với đa số những người bạn này không thực sự tồn tại lâu dài (vì họ chuyển đi, vì cuộc sống, và vì những mối quan hệ mới …) nhưng mỗi người trong số họ đều để lại rất nhiều kỷ niệm đẹp — những kỷ niệm ngắn, vui vẻ mà có thể kiểu “bạn cả đời” chưa chắc mang lại được.

Tôi yêu tất cả những người bạn của mình: bạn vì một lý do, bạn ở một thời điểm, bạn cả đời. Tất cả đều từng đem đến cho tôi những trải nghiệm đặc biệt, theo cách này hay cách khác. Bản thân tôi không phải là người bạn hoàn hảo. Tôi từng mắc rất nhiều sai lầm trong quá khứ và từng làm tổn thương bạn mình, không chỉ một lần. Nhưng tôi may mắn có được một số người bạn tốt, những người mà mặc dù tôi không ở bên họ thường xuyên và ngay cả khi ở bên họ tôi cũng không có nhiều điều để nói (!), họ vẫn chấp nhận và ủng hộ tôi. Và trong cuộc đời có lẽ ta chỉ cần một vài người bạn như thế. Không nhất thiết phải cho hay phải nhận. Chỉ cần là bạn bè thôi.

Tôi không biết bạn có bao nhiêu người bạn thân hay loại bạn nào bạn có nhiều nhất, nhưng tôi biết chắc rằng bạn bè đóng góp một phần quan trọng trong cuộc sống của bạn. Và việc họ đến với bạn thôi cũng đã là một cái “duyên”. Trên đời này có hàng triệu con người, hàng ngàn mối quan hệ đan xen cùng một thời điểm, tại sao các bạn lại trở thành bạn của nhau? Tất cả đều có lý do của nó. Có một câu hỏi rất hay của Jim Rohn: “You are the average of the five people you spend the most time with” (Bạn là trung bình cộng của năm người mà bạn chia sẻ nhiều thời gian nhất). Bởi thế, hãy “đầu tư” thực sự vào bạn bè, vào những mối quan hệ quan trọng nhất và có ý nghĩa tích cực nhất đối với bạn. Nếu một người sống ở một nơi xa xôi như tôi, làm việc ngày đêm như tôi, hướng nội như tôi, ít tiệc tùng như tôi, ít xuất hiện ở đám cưới, đám hỏi như tôi mà vẫn có nhiều “bạn cả đời” thì bạn đương nhiên cũng có thể. Chắc chắn là như thế!

Link nội dung: https://dhthaibinhduong.edu.vn/cac-loai-ban-a43917.html