Hiểu và Biết

Hieu-Biet

Khi chúng ta nói về một loại nguyên lý, một triết lý sống, một loại kỹ năng, một loại trải nghiệm nào đó, có thể chia ra thành 4 cấp độ nhận thức về điều đó như sau:

  1. Chưa biết gì về nó
  2. Đã biết về nó thông qua đọc, nghe
  3. Đã hiểu, đã làm qua, hoặc đã trải nghiệm nó
  4. Đã đọc và thực hành nhiều về nó dẫn đến thành thạo.

Thường thì mỗi người sẽ tự định ra cho mình một thang tiêu chuẩn chung, để xác định xem bản thân mình đã hiểu về một điều gì đó đến đâu.

Dưới đây là một vài ví dụ mình nêu ra để làm rõ sự khác biệt giữa hai cấp độ “biết” so với “hiểu” này theo quan điểm của cá nhân mình.

Nói về trải nghiệm, rất nhiều người thật ra chỉ “biết” về một loại nỗi đau hay cảm giác nào đó như mất người thân, bị phản bội, bị sỉ nhục, bị uy hiếp, …. vì những loại cảm giác này được đề cập một cách nhan nhản trên báo, trên đài, trên internet, … Nhưng đừng vội cho rằng bạn thực sự “hiểu” điều đó nếu bạn chưa trải qua nó bao giờ. Nó thực sự khác, rất khác.

Thế nên, việc phán xét một cách bừa bãi hành vi của ai đó trong một hoàn cảnh cụ thể thường là do sự ngộ nhận giữa hiểu và biết.

Đừng vội phán xét hành vi của người khác nếu bạn chỉ “biết” về tình huống họ đã trải qua. Đứng trước một lưỡi dao, một sự uy hiếp, một nỗi sợ hãi, một sự thất vọng cùng cực, bao nhiêu người sẽ làm chủ được mình?

Nói về những nguyên tắc sống như: “cần cù bù thông minh”, “có công mài sắt có ngày nên kim”, “phải khiêm tốn”, … có thể thấy những câu nói được đưa ra cửa miệng của nhiều người.

Một người chỉ “biết”, là một người chỉ nghe, và lặp lại những cụm từ này. Nhưng tại thời điểm mà những cụm từ này được áp dụng, họ lại không làm được.

Trong khi đó, một người hiểu “cần cù bù thông minh”, là người nội tâm luôn tự nhận mình là người không được thông minh cho lắm, và họ làm việc chăm chỉ, làm ngày, làm đêm, vì họ thực sự tin “cần cù bù thông minh” sẽ mang đến cho họ những cơ hội, những trải nghiệm mà họ muốn. Họ tin, và họ hiểu điều đó.

Một người hiểu sự “khiêm tốn”, là người nội tâm họ tin là họ không có gì giỏi, rằng những thứ họ đạt được là do cố gắng, hay phần nào may mắn, rằng sẽ luôn có người giỏi hơn mình về cái gì đó. Còn người chỉ “biết” về sự khiêm tốn, là người có thể nói vanh vách tôi khiêm tốn thế này thế kia, nhưng nội tâm thì ngược lại.

Mỗi một câu châm ngôn, triết lý đều phải được vận dụng vào một hoàn cảnh cụ thể nào đó của cuộc sống. Người hiểu, tức là đã trải nghiệm qua cảm giác dùng nó. Còn người “biết” thì chỉ nghe nói thôi, chứ chưa trải qua cảm giác đó bao giờ.

Trong thế giới công nghệ, một người “biết” về một loại công nghệ nào đó là một người chỉ mới đọc qua về nó, tìm hiểu các thông tin liên quan.

Trong khi đó một người hiểu về công nghệ là một người đã từng dùng qua, hiện thực nó trong một dự án của mình. Có thể họ chưa “hiểu rõ” ngọn ngành. Nhưng họ có làm qua, thực sự đã từng tiếp xúc với nó.

Một người biết cách quan sát con người, là người có thể đọc qua các sách vở các loại kỹ thuật về đánh giá hành vi, về quan sát ánh mắt, cử chỉ, thái độ, body language, … và có thể kể ra tất cả những thứ đó.

Nhưng một người hiểu về quan sát con người, họ thực sự đã “quan sát”. Tại thời điểm họ nói chuyện với bạn, họ đưa mắt nhìn vào mắt bạn, họ thực sự nhìn ánh mắt bạn di chuyển để thử đánh giá xem bạn thực sự đang quan tâm đến điều gì, có đang tập trung hay không.

Một người “biết” về một ngành nào đó, họ có thể kể vanh vách cho bạn anh này, người kia trong ngành thế nào, hay sự cố gì đã xảy ra. Còn một người “hiểu” về ngành, là một người đã thực sự “làm” công việc trong ngành đó, lăn lộn và đánh đổi.

Một người “hiểu” cách giải quyết và phân tích vấn đề, là một người, khi đưa cho họ một vấn đề cụ thể, họ chia nhỏ nó ra được, nhìn vấn đề theo nhiều khía cạnh khác nhau để từ đó nêu ra giải pháp cho bạn. Còn một người chỉ “biết”, họ có thể nêu ra cho bạn vài chục phương pháp. Nhưng nó đều chẳng khả thi. Vì bản thân họ cũng chưa từng làm nó bao giờ.

Giữa hiểu và biết, vốn dĩ có một lằn ranh rất rõ ràng. Chỉ nghe nói, chỉ đọc qua, là bạn chỉ “biết” thôi. Còn khi thực sự “làm”, thực sự “nghĩ”, thực sự “chiêm nghiệm” về điều đó, bạn mới “hiểu” nó.

Biết một cái gì đó, là cơ sở đầu tiên cho việc “hiểu” nó. Phải biết thì mới hiểu, chẳng ai hiểu ngay một cái gì mà họ chưa thấy nó tồn tại. Nhưng đừng mang cái “biết” của mình, lại đánh đồng cho rằng mình đã “hiểu” điều đó. Hại lắm thay.

Ngoài lề: “hiểu” và “hiểu rõ” cũng là hai mức độ khác nhau của nhận thức. Nhưng phân biệt hai mức độ này khó hơn, và phụ thuộc khá nhiều vào “tiêu chuẩn” của mỗi người tự đặt ra cho mình.

Lưu ý: chữ “biết” và chữ “hiểu” trong những mô tả ở trên được dựa theo định nghĩa về các mức độ nhận thức nêu ra ở đầu bài. Có thể nó sẽ khác với cách bạn dùng hai chữ này trong các tình huống cụ thể.

Link nội dung: https://dhthaibinhduong.edu.vn/biet-la-gi-a47513.html