Kinh nghiệm du lịch Kon Tum (Cập nhật 07/2024)

Cùng Phượt - Kon Tum là tỉnh nằm ở cực Bắc Tây Nguyên được thiên nhiên ưu ái với nhiều thắng cảnh đẹp vẫn còn giữ được những nét hoang sơ của đại ngàn Tây Nguyên với văn hóa truyền thống đặc sắc và nhiều di tích lịch sử. Tiềm năng du lịch Kon Tum tương đối đa dạng và phong phú cả về tài nguyên thiên nhiên, lịch sử và văn hóa, cho phép Kon Tum phát triển nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng có đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Giới thiệu chung về Kon Tum

Kinh nghiệm du lịch Kon Tum (Cập nhật 07/2024) Kon Tum năm 1969, ảnh được chụp từ máy bay của quân đội Mỹ (Ảnh - Quentin Jones)

Kon Tum là một tỉnh thuộc vùng cực bắc Tây Nguyên của Việt Nam, nằm ở ngã ba Đông Dương, phần lớn nằm ở phía Tây dãy Trường Sơn. Về nguồn gốc tên gọi “Kon Tum”, theo ngôn ngữ Ba Na thì Kon là làng, Tum là hồ, chỉ tên gọi một ngôi làng gần một hồ nước cạnh dòng sông Đắk Bla mà hiện nay là làng Kon Kơ Nâm ở thành phố Kon Tum.

Kinh nghiệm du lịch Kon Tum (Cập nhật 07/2024) Thành phố Kon Tum ngày nay (Ảnh - cungphuot.info)

Vùng đất Kon Tum ngày xưa là vùng đất hoang vắng, đất rộng, người thưa với sự sinh sống của các dân tộc bản địa gồm Xơ Đăng, Bana, Gia Rai,Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Măm. Mỗi dân tộc gắn với một vùng cư trú khác nhau. Thiết chế xã hội cổ truyền của người dân bản địa nơi đây là tổ chức làng (kon), mang tính biệt lập, do một già làng là người có uy tín nhất trong làng, đứng đầu. Đất rộng người thưa, cách biệt với bên ngoài bởi rừng rậm và núi non hiểm trở, các làng bản địa là những xã hội thu nhỏ, chưa có một chính quyền liên minh trong khi chính quyền các quốc gia hùng mạnh xung quanh như Đại Việt, Chân Lạp, Chiêm Thành, Vạn Tượng chưa vươn tầm kiểm soát đến đây.

Kinh nghiệm du lịch Kon Tum (Cập nhật 07/2024) Kon Tum cùng với Điện Biên là 2 tỉnh của Việt Nam có ngã 3 biên giới (Ảnh - cungphuot.info)

Trải qua những biến động, thăng trầm của lịch sử, vùng đất này có nhiều biến đổi, đồng bào các dân tộc tụ hội về đây ngày một đông. Người Kinh khi đến Tây Nguyên cũng chọn vùng đất Kon Tum làm nơi định cư. Từ đó, Kon Tum trở thành vùng đất cộng cư của nhiều dân tộc. Vùng đất này khi thành lập thị xã cũng mang tên gọi chính thức là Kon Tum. Khi đơn vị hành chính cấp tỉnh được thành lập, Kon Tum vẫn chính thức được dùng làm tên gọi của tỉnh. Đây là vùng địa lý hành chính được hình thành sớm nhất ở Tây Nguyên.

Du lịch Kon Tum vào mùa nào?

Kinh nghiệm du lịch Kon Tum (Cập nhật 07/2024) Nếu khéo chọn thời điểm, bạn sẽ có chuyến đi rất tuyệt (Ảnh - anhthao_2011)

Khí hậu Kon Tum có nét chung của khí hậu vùng nhiệt đới gió mùa của phía Nam , lại mang tính chất của khí hậu cao nguyên. Khí hậu Kon Tum chia thành 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Trong đó, mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Một số gợi ý cho các bạn khi có kế hoạch du lịch Kon Tum như sau:

Hướng dẫn đi tới Kon Tum

Phương tiện cá nhân

Kinh nghiệm du lịch Kon Tum (Cập nhật 07/2024) Nếu có thời gian, hãy thong thả chạy xe tới Kon Tum để trải nghiệm nhiều cung đường tuyệt đẹp (Ảnh - cungphuot.info)

Cách Hà Nội 1200km và Sài Gòn khoảng 560km, việc sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển tới đây tương đối vất vả. Phù hợp nhất với những lựa chọn này thường dành cho các bạn đi xuyên Việt. Từ Sài Gòn, các bạn đi theo tuyến QL14 qua Bình Phước, Đắk Nông, Buôn Ma Thuột để đến với Kon Tum. Từ Hà Nội, các bạn có thể men theo tuyến đường mòn Hồ Chí Minh đến với huyện Ngọc Hồi rồi từ đó về lại trung tâm Tp Kon Tum.

Một phương án khác cho các bạn muốn sử dụng xe máy cá nhân để khám phá Kon Tum và vùng Tây Nguyên nói chung là đi tàu tới Quy Nhơn, gửi kèm theo xe máy rồi từ đó chạy theo tuyến QL19 đi Pleiku, Kon Tum.. Phương án này sẽ giảm tải quãng đường phải tự chạy xe nhưng vẫn đảm bảo mang lại các trải nghiệm thú vị.

Phương tiện công cộng

Máy bay
Kinh nghiệm du lịch Kon Tum (Cập nhật 07/2024) Sân bay Pleiku là sân bay gần nhất để tới được Kon Tum (Ảnh - Keijo Mämmi)

Kon Tum hiện có sân bay nhưng không được đưa vào khai thác cho các hoạt động dân sự. Sân bay gần nhất tới trung tâm thành phố Kon Tum là sân bay Pleiku của tỉnh Gia Lai với khoảng cách chừng 40km. Hiện tất cả các hãng hàng không trong nước đều có đường bay trực tiếp tới Pleiku, chặng bay từ Hà Nội, Sài Gòn có giá vé khứ hồi khoảng 1000k, chặng bay từ Hải Phòng, Đà Nẵng có giá vé khứ hồi khoảng 1500k.

Từ sân bay Pleiku, các bạn có thể đi xe buýt về trung tâm thành phố Kon Tum nếu muốn chi phí rẻ, nếu đi khoảng vài người các bạn có thể đi chung một chuyến taxi.

Xe khách

Không nằm trên các tuyến đường huyết mạch nên số lượng các tuyến xe khách đi Kon Tum (và vùng Tây Nguyên nói chung) chưa nhiều, các chuyến xe chạy từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thường chỉ chạy một số ngày trong tháng (đa phần phục vụ người dân địa phương có nhu cầu đi lại), các tuyến xe chạy từ Sài Gòn khởi hành thường xuyên hơn với tần suất hàng ngày. Tuy vậy, chất lượng các tuyến xe này không được tốt như xe chạy tới các thành phố lớn khác.

Xem thêm bài viết: Xe giường nằm đi Kon Tum (Cập nhật 7/2024)

Đi lại ở Kon Tum

Thuê xe máy

Nếu đến Kon Tum bằng các phương tiện công cộng, xe máy sẽ là phương tiện chủ động cũng như cơ động nhất để đi lại. Chưa có nhiều dịch vụ này nhưng các bạn cũng không quá khó khăn để thuê một chiếc xe máy ở Kon Tum đâu nhé.

Xem thêm bài viết: Địa điểm thuê xe máy ở Kon Tum (Cập nhật 7/2024)

Taxi

Không phải ai cũng có thể đi xe máy, nhất là trong đoàn có trẻ em hoặc người cao tuổi. Lúc này phương tiện đi lại phù hợp nhất có lẽ là taxi. Một số hãng taxi trên địa bàn tỉnh Kon Tum:

Xe buýt

Không phải là một thành phố lớn nên mạng lưới xe buýt ở Kon Tum cũng tương đối nhỏ, hiện mới chỉ có một vài tuyến xe chạy từ trung tâm tỉnh đi các huyện. Lợi thế lớn nhất mà bạn có thể sử dụng loại phương tiện này là đi từ sân bay về trung tâm thành phố với chi phí rẻ hơn so với đi taxxi.

Lưu trú ở Kon Tum

Khách sạn/Nhà nghỉ

Toàn tỉnh Kon Tum hiện nay mới chỉ có khoảng 150 cơ sở lưu trú với công suất khoảng 2000 phòng, số lượng khách sạn/nhà nghỉ đa phần chỉ ở mức cơ bản, đáp ứng được yêu cầu của những du khách không quá cầu kỳ. Hạ tầng lưu trú chưa đa dạng nên chưa thể thu hút được nhiều nhóm đối tượng du khách khác nhau, nhất là những du khách có nhu cầu sử dụng các dịch vụ lưu trú nghỉ dưỡng chất lượng cao.

Một số khách sạn tốt ở Tp Kon Tum

Xem thêm bài viết: Khách sạn nhà nghỉ ở Kon Tum (Cập nhật 7/2024)

Homestay

Homestay là một loại hình lưu trú tại nhà dân bản địa khi đi du lịch. Homestay được hiểu đơn giản hơn đó là “du lịch xanh”, thích hợp với những ai thích đi du lịch và trải nghiệm văn hóa ở những vùng đất mới. Những năm gần đây, trên địa bàn Kon Tum bắt đầu xuất hiện loại hình du lịch homestay. Loại hình du lịch này bước đầu thu hút đông đảo các bạn trẻ, khách du lịch tìm đến trải nghiệm.

Một số homestay tốt ở Kon Tum

Xem thêm bài viết: Danh sách homestay ở Kon Tum (Cập nhật 7/2024)

Các địa điểm du lịch ở Kon Tum

Thành phố Kon Tum

Tòa giám mục Kon Tum

Tòa Giám mục Kon Tum có tên gọi đầy đủ là Chủng viện thừa sai Kon Tum. Đây là cơ sở Công giáo lớn nhất khu vực Tây Nguyên Việt Nam. Toà Giám mục Kon Tum có địa chỉ tại số 146 đường Trần Hưng Đạo, phường Thống Nhất.

Nhà thờ gỗ Kon Tum

Nằm trên đường Nguyễn Huệ, nhà thờ Chánh tòa được các linh mục người Pháp khởi xướng xây dựng từ năm 1913 tới năm 1918. Kiến trúc sư thiết kế khu nhà theo phong cách Roman kết hợp với kiến trúc nhà sàn của người Ba Na. Trên đỉnh tháp là cây thánh giá bằng gỗ quý cao vút, thể hiện sự uy nghiêm và vĩnh cửu của ngôi thánh đường. Được làm hoàn toàn bằng gỗ cà chít nên công trình còn được gọi là nhà thờ gỗ Kon Tum.

Làng cổ Kon K’Tu

Làng cổ Kon K’Tu, xã Ðắk Rơ Wa là ngôi làng của dân tộc người Bana sống bên ngoài ngoại ô thành phố. Làng cách trung tâm khoảng 5km bên bờ sông Đắk Bla, không quá đông dân không mang nhiều hơi thở hiện đại. Đây thực sự là một nơi thú vị để du khách tìm lại một chút hoài cổ khi đến với phố núi Kon Tum.

Nhà rông Kon K’lor

Nhà rông Kon K’lor mới được xây dựng lại ngay trên nền nhà rông cũ tại làng Kon K’lor vào năm 2011 sau khi găp sự cố bị cháy vào năm 2010. Nhà rông Kon K’lor hiện tại có chiều dài 17m, rộng 6m và chiều cao của nóc là 22m, cao hơn nhà rông cũ 1m. Đây được coi là nhà rông lớn nhất Kon Tum và Tây Nguyên nói chung. Nhà được thiết kế theo kiểu truyền thống với chất liệu hoàn toàn bằng gỗ, tranh, tre, nứa, lá với những hoa văn, họa tiết sắc xảo đặc trưng của dân tộc Ba Na. Đặc biệt, toàn bộ phần trụ và mặt sàn mới đều được làm bằng gỗ xoay - một loại gỗ quí hiếm. Ngôi nhà nằm gần bên sông Đắk Bla và cầu treo Kon K’lor.

Cầu treo Kon K’lor

Đây là cây cầu treo dây văng lớn nhất ở Kon Tum, nối liền hai bờ của dòng sông Đắk Bla, được xây dựng vào ngày 3/2/1993 và hoàn thành ngày 1/5/1994. Ngày nay, cầu treo Kon K’lor đã trở thành niềm tự hào của người dân Kon Tum và là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi ghé thăm mảnh đất Tây Nguyên này.

Quán cafe Indochine

Nằm ngay cạnh cây cầu Đắk Bla, quán cà phê này là một phần của tổ hợp khách sạn Indochine dọc theo sông Đắk Bla. Đây là một quán cafe với kiến trúc lạ, hoàn toàn được làm bằng tre. Với việc tận dụng tối đa nguồn năng lượng tự nhiên như gió trời, khí mát từ hồ nước, bóng mát từ mái tre nên quán lúc nào cũng thoáng đãng và mát mẻ.

Ngục Kon Tum

Di tích lịch sử Ngục Kon Tum nằm bên dòng sông Đắk Bla, đây là nơi giam cầm những tù chính trị bị bắt trong cao trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Bảo tàng Kon Tum

Bảo tàng hiện nay là toà nhà 3 tầng với kiến trúc hiện đại mang vóc dáng truyền thống vùng Tây Nguyên. Đây là công trình kiến trúc văn hoá, là nơi hội tụ các di sản văn hoá, lịch sử là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch, học tập, nghiên cứu khoa học. Hệ thống kho bảo quản của Bảo tàng Kon Tum hiện đang lưu giữ hơn 26.000 hiện vật, tư liệu; trong đó có những hiện vật và sưu tập quý hiếm như sưu tập hiện vật khảo cổ học và các sưu tập hiện vật dân tộc học như ghè, gùi, chiêng, trang phục, trang sức; các sưu tập ảnh tư liệu, phim, tranh, bản đồ, hiện vật qua các giai đoạn lịch sử.

Chùa Bác Ái

Chùa thuộc hệ phái Bắc tông và được xây dựng vào năm 1932. Nhìn tổng thể kiến trúc, chùa Tổ đình Bác Ái xây dựng theo hướng Bắc Nam, kiểu chữ Môn, mở đầu cho hướng đó là cổng tam quan án ngự, đến nhà Chánh điện ở trung tâm và 2 bên tả hữu là Đông Lang và Tây Lang. Bên ngoài chánh điện là Hoa Viên, nơi tập trung các bia mộ, tháp, miếu thờ Thần hoàng Bổn cảnh, Sơn thần, Đoàn quán và nhà trù. Qua nhiều lần trùng tu, các nét kiến trúc ban đầu đã bị thay đổi, một số điểm điêu khắc độc đáo như rồng chầu, dây cuốn, đã không còn.

Măng Đen

Măng Đen là một thị trấn thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, được mệnh danh là “Đà Lạt thứ hai” của Tây Nguyên Việt Nam, nằm cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 60km.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch Măng Đen (Cập nhật 7/2024)

Đắk Glei

Ngục Đắk Glei

Ngục Đắk Glei nằm về phía Bắc thị trấn Đắk Glei, huyện Đắk Glei cách trung tâm huyện khoảng 30km, nằm trên đồi Chang Túc một nhánh Của núi Pơn Đắk Rắc. Nơi đây thực dân Pháp đã giam cầm đày ải những chiến sĩ cách mạng trung kiên nhất trong khoảng những năm 1932 - 1935.

Núi Ngọc Linh

Ngọc Linh Liên Sơn là liên hoàn núi non bao trùm 4 tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, bắt đầu từ ngọn Ngọc Lum Heo ở tây bắc cho đến ngọn Ngọc Rơ phía đông nam. Trong đó, Ngọc Linh là đỉnh núi cao nhất. Núi Ngọc Linh cuốn hút lòng người không chỉ vì vẻ đẹp bên ngoài mà còn bởi những ý nghĩa, giá trị tâm linh hiện diện trong đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số bao đời nay. Những bạn trẻ yêu thích leo núi có thể lựa chọn Ngọc Linh làm điểm đến cho chuyến đi của mình, để có thể leo ngọn núi này các bạn cần di chuyển tới xã Ngọc Linh rồi từ đó nhờ người dân địa phương hỗ trợ.

Vườn hoa Kon Trang Long Loi

Vườn hoa Long Loi (Bazana Farm), nằm tại thôn Kon Trang Long Loi cách trung tâm thị trấn Đắk Hà khoảng 2km. Với nét đặc trưng riêng về kiến trúc của một làng Bana nằm ven sông Pô Kô cùng với những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc vẫn đang được bảo tồn đã làm nên một điểm nhấn cho du lịch huyện Đắk Hà và là điểm đến thu hút khách du lịch trên khắp mọi miền.

Đắk Tô

Đồi Charlie

Đồi Charlie - Cao điểm 1015 thuộc xã Tân Cảnh là một địa danh nằm tiếp giáp giữa ba huyện: Sa Thầy, Đắk Tô và Ngọc Hồi. Địa danh này nổi tiếng với nhiều trận giao chiến khốc liệt trong chiến tranh giữa quân đội Việt Nam và quân đội Mỹ.

Di tích Đắk Tô - Tân Cảnh

Khu di tích nằm trên trục đường Hồ Chí Minh, cách thành phố Kon Tum 40km, cách thị trấn Đăk Tô khoảng 1km về hướng tây nam, cách biên giới Việt Nam - Lào khoảng 40km với tổng diện tích 370.500m2 bao gồm khu Căn cứ E42, khu quân sự Sân bay Phượng Hoàng và Sân bay L19. Đây là chiến trường ác liệt nhất của khu vực Tây Nguyên, là căn cứ mạnh nhất của Mỹ trong chiến tranh.

Suối nước nóng Đắk Tô

Suối nước nóng Đắk Tô nằm ở thôn 3, xã Kon Đào. Không gian khu du lịch sinh thái này tĩnh lặng, khí hậu mát mẻ, thích hợp cho du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, tuy vậy đến nay khu vực này vẫn chưa được quan tâm đúng mức nên chưa thể phát triển thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn của Kon Tum.

Kon Rẫy

Thác Kôi Tó

Thác Kôi Tó nằm ở thôn 7, xã Đắk Kôi. Theo lời kể của các già làng xưa kia thác được dân làng gọi “Thác Nước Tui” nhưng sau khi có một chàng trai Xơ Đăng, tên là A HTó ở một làng khác đem lòng yêu thương một cô gái trong làng Kon Trăng Nó, nhưng bị gia đình cô gái phản đối, chàng trai buồn rầu ra về, lúc đi ngang qua con thác đang chảy rất dữ, chàng trai đã bị chết đuối. Từ đó trở về sau, bà con đã đổi tên “Thác Nước Tui” thành “Thác Kôi Tó” ngày nay. Thác có độ cao hơn 700m so với mực nước biển, xung quanh được bao bọc bởi khu rừng nguyên sinh. Hơn thế, thác có ba hồ nước nằm liền kề nhau, khá sâu và rộng, đó sẽ là trạm dừng chân lý tưởng để du khách nghỉ ngơi.

Thác Đắk Snghé

Thác nước Đắk Snghé nằm trên địa bàn 2 xã Đắk Tờ Lung và xã Tân Lập, là thác nước còn hoang sơ nằm ở dòng sông Đắk Snghé. Thác nước có nhiều bậc, khung cảnh thoáng đãng, hữu tình.

Ngã ba Đông Dương

Đây là điểm cuối của tuyến biên giới Việt Lào và điểm đầu của tuyến biên giới Việt Cam, giao điểm của 3 đường biên giới giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Campuachia. Địa điểm này nằm cách không xa cửa khẩu Bờ Y nhưng cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng hơn 80km. Để tới đây, các bạn nhớ ghé qua đồn biên phòng để xin phép nhé.

Sa Thầy

Vườn quốc gia Chư Mom Ray

Vườn quốc gia Chư Mom Ray là khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất tỉnh Kon Tum và được công nhận là khu bảo tồn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Chư Mom Ray chiếm giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển các loại thực vật, động vật quý hiếm của đất nước. Tại khu bảo tồn Chư Mon Ray, các nhà khoa học đã ghi nhận có gần 1.500 loài thực vật thuộc 166 họ và 541 chỉ, trong đó có 131 loài được xác định là quý hiểm bị đe dọa như các loài phong lan, lớp tuế, ngành hạt trần, các loài họ dầu và 2.000 lọai thực vật quý hiếm như thông tre, trắc… Về động vật đã xác định được 620 loài, trong đó có 11 loài thú, 370 loài chim, 45 loài bò sát, 20 loài cá nước ngọt và 17 loài lưỡng cư, 57 loài côn trùng.

Thác Khỉ

​Xen giữa những dãy núi điệp trùng của Vườn quốc gia Chư Mom Ray là hệ thống khe suối chằng chịt. Sự chênh lệch đáng kể nơi diện tích bề mặt, tạo nên vô số những thác nước kỳ vĩ trong đó có Thác Khỉ, ngọn thác nằm ở độ cao khoảng 700m trong Vườn quốc gia. Đây là tên do người dân địa phương thường gọi, bởi mỗi khi vắng người là đàn khỉ lại kéo đến nô đùa, có khi lên đến hàng trăm con. Từ trên cao khoảng gần 20m, vào mùa khô dòng nước đổ xuống thành ba chặng liền nhau mềm mại.

Thác Hang Dơi

Thác Hang Dơi và đường hầm bằng đá lòng suối ở gần khu vực thác Hang Dơi là một trong những thắng cảnh đẹp trong Vườn quốc gia Chư Mom Ray. Tuy nhiên, tuyến du lịch này khá mạo hiểm, hơn nữa trong điều kiện chưa cho phép nên ban quản lý vườn chưa có ý định đưa vào khai thác du lịch.

Làng Ba Rgốc

Nằm ở phía Tây xã Sa Sơn, làng Ba Rgốc là nơi sinh sống của 185 hộ với 720 khẩu. Dân cư ở đây hầu hết là đồng bào dân tộc Gia Rai với nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, nguyên sơ còn được lưu giữ đến ngày nay. Ngôi làng nằm dưới chân núi Chư Mom Ray và được bao quanh bởi dòng suối uốn lượn quanh co tạo nên khung cảnh thiên nhiên hữu tình, khí hậu mát mẻ.

Tu Mơ Rông

Ruộng bậc thang Măng Ri

Ở Măng Ri, hầu hết diện tích lúa nước được canh tác trên những chân ruộng bậc thang. Từ trên cao nhìn xuống, những thửa ruộng bậc thang ở lưng chừng đồi, đan xen giữa đó là những ngôi làng với mái nhà rông cao vút đẹp tựa như một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp. Vào mùa lúa chín, những cánh đồng ở Măng Ri vàng ươm, trải dài, bông lúa trĩu nặng cúi đầu xếp lớp trên chân ruộng bậc thang hòa trong nắng vàng cùng cảnh sắc thiên nhiên êm đềm dưới chân núi Ngọc Linh.

Thác Siu Puông

Đây là một thác nước đẹp của Tu Mơ Rông, nằm trên địa bàn xã Đắk Na, thác được hình thành bởi nhiều con thác nhỏ tạo thành một thác lớn với độ cao toàn bộ thác hơn 100m.

Thác 4 tầng

Thác nước này nằm cách Quốc lộ 40B khoảng 100m, tại thôn Đắk Chum II, xã Tu Mơ Rông. Thác có 4 tầng liên tục với những vẻ đẹp hoang sơ. Từ chân thác đi bộ lên đến đỉnh núi khoảng 1.500m, với nhiều hồ nước và các loại thực vật phong phú, tạo nên cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, rất thích hợp cho hoạt động du lịch khám phá, trải nghiệm.

Làng chài Sê San

Làng chài Sê San nằm ở xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai. Đây là nơi mà gần 10 năm trước, 29 hộ dân ở các tỉnh An Giang, Cà Mau, Cần Thơ tới và lập làng định cư, sinh sống bằng nghề đánh bắt nuôi trồng thủy sản. Sự thanh bình, thơ mộng và độc đáo của làng chài Sê San là điểm lựa chọn cho những ai muốn khám phá, trải nghiệm thiên nhiên hoang sơ; tìm hiểu về con người, văn hóa sông nước Nam Bộ trên Cao Nguyên hùng vĩ.

Các món ăn ngon ở Kon Tum

Gỏi lá Kon Tum

Đúng như tên gọi, món ăn có đến 40-50 loại lá khác nhau, gồm ổi, sung, xoài, me, đinh lăng, ngũ gia bì, lá chua, chùm ruột, tía tô, ngãi cứu, hồng ngọc… Món gỏi lá này được ăn kèm với thịt heo ba chỉ luộc thái mỏng, tôm đồng luộc, bì heo. Điều làm nên sự độc đáo của món ăn này là nước chấm kèm theo làm nên hương vị rất riêng. Để thưởng thức món ăn, thực khách ngắt lá cây cuộn thành hình phễu rồi cho vào lát thịt ba chỉ, con tôm, bì heo, ít hạt muối trắng, tiêu và rưới lên ít nước chấm là có thể dùng được.

Xôi măng

Chỉ là món xôi nấu từ gạo nếp quen thuộc, kết hợp khéo léo với măng rừng nhưng đã trở thành món điểm tâm sáng thân thuộc với mỗi người dân tại Kon Tum. Cách làm xôi măng khá đơn giản và chẳng mấy cầu kỳ. Măng tươi sau khi được đào trên rừng về lột bỏ vỏ ngoài, rửa sạch và thái miếng vừa ăn. Qua công đoạn sơ chế để làm mất mùi ngái, măng được đem xào qua với gia vịđể trở nên đậm đà. Gạo nếp chọn loại ngon đem ngâm trong nước muối loãng có pha thêm bột nghệ để lên màu khoảng 8 tiếng thì mang ra đồ chín.

Cơm lam Măng Đen

Cơm Lam của vùng đất Kon Plông được làm từ gạo nếp rẫy ngâm lẫn với lá dứa, qua một đêm cho gạo vào ống nứa non, khi gạo đã đầy hai phần ba ống, người nấu khéo léo đổ nước suối mát lạnh đựng trong những cái bầu khô vào từng ống một, tước những thẻ lá chuối rừng già hườm hườm vàng đã được hơ nóng lửa và thắt nút cho từng ống nứa, và vùi vào bếp tro hồng.

Gà nướng

Không giống với nhiều loại gà khác, gà Kon Plông là giống gà thả tự nhiên nên thịt rất chắc và ngon, không bị bở như gà công nghiệp, hương vị gần giống với gà ta. Gà bản Kon Plông chỉ ngon khi nướng, với cách nướng gà rất độc đáo do bà con dân tộc sáng tạo ra.

Cá tầm Măng Đen

Do có khí hậu khá mát mẻ nên vùng đất này tương đối phù hợp để nuôi cá tầm, trước kia lượng cá tầm nuôi ở Măng Đen khá nhiều nhưng sau một thời gian không thể cạnh tranh được về giá với cá tầm Trung Quốc đưa đến nên hiện nay hầu như không còn.

Bún nước Kon Tum

Bún nước Kon Tum có nguồn gốc từ bún tôm Bình Định, có lẽ trong quá trình khai khẩn vùng đất Bắc Tây Nguyên, người dân đất võ đã mang theo món ăn độc đáo của mình, nhưng được cải biến đi, cho phù hợp với khẩu vị và nguồn nguyên liệu tại phố núi. Vị nước bún thanh ngọt nhẹ nhàng hơi ngang chứ không ngọt đậm đà của xương ống, của thịt cá. Khi có khách đến, tô bún được chuẩn bị rất nhanh chóng, múc một muỗng thịt tôm đã giã nhuyễn cho vào bát, sắp vào mấy con tôm đã được bóc vỏ, thêm mấy lát thị bò bằm nhỏ, rồi múc nước luộc bún đang sôi đổ vào bát quậy đều lên, rắc mấy cọng hành ngò, giá tươi, chút bột tiêu.

Thịt hun khói Bazana

Món này được chế biến từ thịt lợn mòi của người dân Bana, do được thả rông chỉ ăn ngô và khoai trong vườn nên thịt lợn rất thơm, ngon. Phần thịt ngon nhất sẽ được cắt ra và đem tẩm ướp bằng các hương liệu riêng của địa phương. Cuối cùng, miếng thịt được treo lên gác bếp, hun bằng khói trong thời gian dài cho chín. Món này tương tự thịt gác bếp của đồng bào Tây Bắc, chỉ khác về phần tẩm ướp nguyên liệu.

Gỏi kiến chua

Để chế biến món ăn này rất kỳ công, khó nhất là công đoạn vào rừng để lấy được tổ kiến vàng mang về, vì thông thường các tổ kiến nằm trên cây rất cao. Sau khi tổ kiến được lấy mang về nhà, phải qua sơ chế bằng cách nấu nước ấm cho tổ kiến vào để loại bỏ chất bẩn rồi vớt ra để ráo. Trộn kiến vàng, trứng kiến và một ít rau thơm, muối, ớt, bột ngọt là đã có được món ăn hấp dẫn. Tổ kiến vàng càng nhiều trứng kiến thì càng ngon.

Thịt chuột quý tộc

Đây là tên gọi của người dân trồng sâm Ngọc Linh ở vùng Tu Mơ Rông gán cho loài chuột, vốn chỉ rình ăn những cây sâm Ngọc Linh quý hiếm. Món này được xem là đặc sản của người dân ở Măng Ri, bởi chúng đã ăn sâm Ngọc Linh - loài dược liệu quý hiếm của vùng đất Tu Mơ Rông. Chỉ khi có các dịp lễ lớn hoặc khách nào quý lắm mới được người dân đem ra đãi.

Cá niên

Ở Kon Plông, cá niên là đặc sản. Bởi loại cá này chỉ xuất hiện ở những sông suối có nguồn nước sạch, chảy xiết, ghềnh đá rất khó bắt và thường xuất hiện nhiều vào thời điểm những tháng mùa khô hoặc mùa xuân. Thức ăn của loài cá này chủ yếu là rong rêu bám trên đá nên ruột của chúng rất đắng, được nhiều người ưa chuộng (xem như một vị thuốc). Thịt cá niên rất trắng, chẳng những không có mùi tanh mà ngược lại rất thơm ngon và được đánh giá có nhiều dưỡng chất. Cá niên có nhiều cách chế biến, nếu nướng, cá chỉ cần để nguyên con rửa sạch rồi xiên vào thanh tre đặt trên bếp than. Khi cá chín vàng gỡ ra chấm với muối ớt.

Đặc sản Kon Tum mua về làm quà

Sâm Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý hiếm và là cây thuốc “giấu” mà đồng bào dân tộc Xơ Đăng sử dụng lâu đời để bồi bổ cơ thể. Bởi sở hữu hàm lượng saponin cao bậc nhất thế giới mà sâm Ngọc Linh có rất nhiều công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe mỗi người như tăng sức đề kháng, chống lo âu, giúp cải thiện sinh lý và hỗ trợ điều trị nhiều căn bệnh khác.

Rượu sim Măng Đen

Khác với sim đồng bằng chín vào dịp Tết Nguyên đán, sim rừng Măng Đen chín từ giữa hè sang thu, sim rừng Măng Đen mọc và sinh trưởng hoàn toàn tự nhiên, nhiệt độ ở khu vực này lại luôn trong ngưỡng lạnh rất phù hợp để lên men rượu. Hai thế mạnh quý hiếm này là điều kiện cơ bản để có thể làm ra được loại vang uống không nhức đầu, hương vị đặc trưng thơm ngon, bổ dưỡng của vùng cao nguyên này.

Cà phê Đắk Hà

Nếu yêu thích cà phê, chắc nhiều người sẽ biết Đắk Hà chính là một trong 8 vùng cà phê ngon nhất Việt Nam.

Chuối hột rừng

Chuối hột rừng được lấy từ rừng Tu Mơ Rông, quả chuối nhỏ, nhiều hạt và mẩy. Khi phơi sấy lên có vị thơm đặc trưng thường dùng để ngâm rượu. Rượu chuối hột ngâm khoảng 1 tháng rất thơm, uống ngọt và thanh.

Hạt tiêu măng Đen

Với đồng bào Xơ Đăng ở Măng Bút, tiêu rừng là loại gia vị không thể thiếu trong mỗi bữa ăn. Khi thưởng thức món cá suối, thịt heo rừng, thịt gà hay thịt chim nướng… đều cần đến tiêu rừng. Hương vị tiêu rừng cũng có vị cay nhẹ hơn ớt và tiêu thường, nhưng mùi thơm lại giống như mùi vị lá cây chanh, lá cây bưởi và nồng nàn như vỏ quả quýt, làm cho nó có sức tác động kỳ lạ.

Gạo đỏ

Gạo đỏ từ chỗ là lương thực truyền thống của người Xê Đăng tại vùng Ngọc Linh Kon Tum đã trở thành một loại gạo đặc sản bởi sự thơm ngon và tinh khiết.

Bánh tráng cá cơm

Từ những mẻ cá cơm tươi được phơi vàng rụm dưới ánh nắng tự nhiên, không cần chất bảo quản, người dân ở làng chài Sê San đã chế biến nên món bánh tráng cá cơm thơm ngon, hấp dẫn, đậm đà.

Chuối sấy

Sản phẩm được làm từ chuối sứ (chuối mốc) ép mỏng rồi đem sấy, nướng, mang hương vị thơm ngon đặc biệt… Khó nhất để chế biến đặc sản chuối sấy là cách chọn nguyên liệu chuối. Để có những bánh chuối sấy ngọt, dẻo, thơm ngon phải chọn những quả chuối chín bùi. Bởi nếu chọn quả chuối vừa chín tới mà còn gân xanh sẽ có vị chát; nếu chọn quả chuối chín ép sẽ không thơm, ngọt…

Rượu Đoát

Rượu Đoát có màu trắng đục như nước dừa, mùi thơm rất dịu. Nói là rượu nhưng khi uống vào hoàn toàn không có vị cay, đắng mà rất thanh mát, vị hơi ngọt ngọt. Tầm tháng 3 đến tháng 6, cây Đoát bắt đầu ra hoa (hoa giống như buồng cau), người dân phải đợi hoa già, cắt bỏ phần hoa, chừa lại phần cuống hoa dài khoảng 2 gang tay người lớn để hoa không kết trái mới lấy được rượu.

Lịch trình du lịch Kon Tum

Một vài lịch trình du lịch Kon Tum cho các bạn tiện theo dõi và lên kế hoạch, nếu muốn các bạn có thể trộn giữa các lịch trình với nhau để phù hợp cho nhu cầu cá nhân.

Sài Gòn - Kon Tum - Măng Đen

Lịch trình này dành cho các bạn sử dụng phương tiện di chuyển là xe khách giường nằm. Các chuyến xe thường chạy từ Sài Gòn vào buổi tối và tới Kon Tum vào sáng hôm sau. Nếu không thích ở Măng Đen lâu các bạn có thể cắt bớt hành trình, nếu thích thư thả nghỉ ngơi thì các bạn cứ theo lịch trình này.

Ngày 0: Sài Gòn - Tp Kon Tum

Lên xe giường nằm ngủ một giấc, sáng dậy có mặt ở Tp Kon Tum

Ngày 1: Kon Tum - Cửa khẩu Bờ Y - Ngã 3 Đông Dương

Về khách sạn nhận phòng, nhận xe máy để bắt đầu hành trình, các bạn nhớ liên hệ đặt phòng và thuê xe trước nhé, nhất là nếu đi vào các dịp lễ.

Từ trung tâm thành phố Kon Tum các bạn di chuyển tới huyện Ngọc Hồi, đi cửa khẩu Bờ Y và Ngã 3 Đông Dương. Đây là một trong 2 ngã 3 biên giới của Việt Nam nên nếu đã đến Kon Tum mà không ghé qua thì khá tiếc. Quãng đường cả đi và về khoảng 200km nên các bạn có thể đi về trong ngày.

Tối trở lại Kon Tum nghỉ ngơi, thưởng thức gỏi lá đặc sản Kon Tum

Ngày 2: Kon Tum - Măng Đen

Sáng dậy lang thang ăn sáng ở Kon Tum, thưởng thức cafe rồi đi thăm thú một số địa điểm trong trung tâm thành phố như nhà thờ gỗ Kon Tum, nhà rông và cầu treo Kon K’lor.

Sau khi ăn trưa ở Tp Kon Tum xong thì trả phòng khách sạn (nhưng không trả xe máy) rồi di chuyển đi Măng Đen. Quãng đường chỉ khoảng 50km nên chỉ khoảng 2 tiếng là các bạn sẽ tới thôi.

Đến Măng Đen nhận phòng, nghỉ ngơi để hôm sau khám phá Măng Đen

Ngày 3: Khám phá Măng Đen

Ngày này các bạn thoải mái khám phá, dạo chơi Măng Đen

Ngày 4: Măng Đen - Kon Tum - Sài Gòn

Sáng dậy thong thả ăn sáng, đi chơi nốt những địa điểm chưa đi ở Măng Đen, mua một số đặc sản Măng Đen về làm quà.

Trả phòng xong thì từ Măng Đen quay trở lại thành phố Kon Tum, trả xe máy, nghỉ ngơi rồi lên xe về lại Sài Gòn.

Hà Nội - Pleiku - Kon Tum

Lịch trình này phù hợp với các bạn sử dụng phương tiện máy bay từ Hà Nội, khám phá cả Gia Lai và Kon Tum, thuê xe máy ở Pleiku rồi lại quay về đây. Chú ý do di chuyển bằng xe máy đường dài, các bạn mang theo hành trang gọn nhẹ, hoặc các bạn gửi ở chỗ thuê xe máy.

Ngày 1: Khám phá Pleiku

Từ Hà Nội khởi hành đi Pleiku bằng máy bay, nên chọn các chuyến bay đi Pleiku buổi sáng để đến trưa vừa kịp đến nơi. Nhận phòng khách sạn tại thành phố Pleiku, nghỉ ngơi rồi thuê xe máy ở Pleiku bắt đầu hành trình.

Sau khi nhận phòng nhận xe, các bạn có thể ghé chùa Minh Thành - ngôi chùa nổi tiếng và rất đẹp ở phố núi Gia Lai, từ chùa Minh Thành tiếp tục tới Biển Hồ, chỗ này mát mẻ và cảnh nhìn đẹp vô cùng. Nếu quan tâm tới nhà thờ, đừng bỏ qua Nhà thờ Pleichuet - kiến trúc này lớn gấp 5 lần một nhà rông thông thường đấy.

Không thể bỏ lỡ núi lửa Chư Đăng Ya, nhất là nếu các bạn đi vào thời điểm cuối năm mùa hoa dã quỳ. Ngay dưới chân núi lửa này có một nhà thờ bỏ hoang đã hàng trăm năm tuổi khá đẹp.

Tối quay lại thành phố Pleiku nghỉ ngơi, thưởng thức các món ăn ngon ở đây.

Ngày 2: Pleiku - Ngã 3 Đông Dương - Kon Tum

Từ Pleiku các bạn chạy xe khoảng 50km là tới thành phố Kon Tum, từ đây tiếp tục chạy về phía huyện Ngọc Hồi, ghé qua cửa khẩu Bờ Y rồi tới ngã 3 Đông Dương, giao điểm 3 đường biên giới của Việt Nam - Lào - Campuchia

Tối trở lại Kon Tum nghỉ ngơi, thưởng thức các món ăn ngon ở Kon Tum.

Ngày 3: Kon Tum - Măng Đen

Sáng dậy lang thang ăn sáng ở Kon Tum, thưởng thức cafe rồi đi thăm thú một số địa điểm trong trung tâm thành phố như nhà thờ gỗ Kon Tum, nhà rông và cầu treo Kon K’lor.

Tiếp đến hãy tới với Măng Đen, một tiểu Đà Lạt của Tây Nguyên. Tối các bạn có thể ngủ tại Măng Đen để tận hưởng khí hậu mát lạnh, trong lành tại đây.

Ngày 4: Măng Đen - Pleiku - Hà Nội

Tùy vào thời gian chuyến bay mà các bạn quay lại Pleiku cho phù hợp, tốt nhất là ngày này các bạn hãy đặt chuyến bay về lại Hà Nội vào chiều muộn. Từ Măng Đen chạy ngược về Kon Tum rồi Pleiku vào khoảng 150km, trả xe ở Pleiku, nghỉ ngơi rồi lên máy bay về lại Hà Nội

Tìm trên Google:

Link nội dung: https://dhthaibinhduong.edu.vn/di-kon-tum-a52002.html