Tám bước dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ Hai của Hitler

Sau khi thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất (1914-1918), nước Đức phải chấp nhận ký Hòa ước Versailles (1919) với những điều khoản khắc nghiệt. Đức bị buộc tội gây ra chiến tranh nên phải có trách nhiệm bồi thường chiến phí. Đức phải trả tổng cộng 6,6 tỷ bảng Anh (tương đương 132 tỷ Mark vàng). Quân đội bị hạn chế và suy yếu hết mức: Không có không quân; lục quân giới hạn 100.000 người; không có xe tăng, vũ khí hạng nặng; hải quân được duy trì 6 tàu chiến; không có tàu ngầm. Lãnh thổ Đức bị cắt cho Pháp, Bỉ, Ba Lan, Đan Mạch. Thuộc địa của Đức bị giao cho Anh, Pháp, Nhật Bản thông qua Hội Quốc Liên theo cơ chế ủy trị.

Điều đó khiến người Đức cảm thấy thất vọng, bất mãn và căm thù. Lợi dụng sự bất mãn, thù hận của người Đức đối với các nước tư bản khác, đặc biệt là Hòa ước Versailles, Hitler và Đảng Quốc xã đã khơi dậy lòng hiếu chiến, âm mưu chiến tranh tại Đức. Dưới tác động của đại suy thoái (1929-1933), Hitler đã trở thành Thủ tướng, rồi Quốc trưởng Đức năm 1933; thực hiện nhiều chính sách loại bỏ lực lượng cách mạng để chuẩn bị cho chiến tranh chia lại thị trường.

Hitler chào khi binh lính hành quân theo đội hình về phía cây cầu gỗ do Đức Quốc xã xây dựng bắc qua sông San, gần Jarolaw, Ba Lan. Ảnh: Getty Images

Hitler đã thực hiện 8 bước khác nhau để gây ra cuộc chiến tranh thế giới đẫm máu nhất trong lịch sử ngoài người.

Thứ nhất, Hitler đã sử dụng phương thức tuyên truyền, hô hào về lòng tự hào dân tộc để người dân vùng Saar bỏ phiếu quay trở lại Đức năm 1935. Theo Hòa ước Versailles, Saar được giao cho Pháp trong vòng 15 năm để đền bù chiến phí và sau đó sẽ được tự quyết về chủ quyền. Hitler đã sử dụng chiêu bài chủ nghĩa dân tộc để đưa Saar trở lại. Đây là bước đầu tiên để phá vỡ Hòa ước Versailles.

Thứ hai, cũng trong năm 1935, Hitler đã tổng động viên quân đội và tái vũ trang. Theo Hòa ước Versailles, Đức chỉ được phép duy trì quân đội 100.000 lính với số lượng vũ khí hạn chế. Viện cớ Pháp nâng thời gian nhập ngũ từ 12 lên 18 tháng, ngay năm 1935, Đức đã động viên được 600.000 lính, bước đầu chuẩn bị quân đội cho chiến tranh. Đặc biệt, dù bị cấm sản xuất máy bay, xe tăng, vũ khí hạng nặng, tàu ngầm nhưng năm 1935, Đức đã tái vũ trang ồ ạt. Trước tình hình đó, Anh và Pháp lại thực hiện chính sách dung dưỡng, thỏa hiệp nhằm lôi kéo Đức tấn công Liên Xô và cách mạng châu Âu. Do đó, Anh ký với Đức hiệp ước hải quân, cho phép hải quân Đức đạt tỉ lệ 3/5 của Anh.

Thứ ba, Hitler cho quân xâm lược vùng Rhineland ngày 7-3-1936. Từ năm 1919, đây là vùng phi quân sự hóa ngay sát biên giới Pháp và Bỉ do Pháp lo sợ Đức đem quân tấn công Pháp. Dù Hitler chỉ gửi một số lượng quân đến đóng ở Rhineland, nhưng Pháp và Anh tiếp tục dung dưỡng, không có hành động ngăn cản, giúp Hitler thêm kiêu ngạo và chuẩn bị chiến tranh.

Thứ tư, Đức xâm lược Áo năm 1938. Đây là điều cấm kỵ trong Hòa ước Versailles vì các nước lo sợ phe Đức-Áo hợp nhất sẽ gây chiến tranh. Hitler tiếp tục khơi dậy chủ nghĩa dân tộc cực đoan, sử dụng lực lượng phát xít Áo và người Đức tại Anschluss - Áo, để gây chiến tranh. Năm 1934, phát xít Áo đã ám sát Quốc trưởng Áo, Dollfuss. Tuy nhiên, Ý đã phản đối Hitler đưa quân vào Áo vì lo sợ. Sau khi Đức-Ý trở thành liên minh năm 1936, Hitler đã nhanh chóng đưa quân vào xâm lược Áo. Qua đó, Đức có thêm nguồn lao động, nhân lực cho quân đội và vùng nguyên nhiên liệu quan trọng chuẩn bị cho chiến tranh. Một lần nữa, Anh và Pháp thực hiện chính sách dung dưỡng và không có hành động đối phó.

Thứ năm, Đức chiếm vùng đất Sudetenland (Czechoslovakia - Tiệp Khắc) năm 1938. Đây là vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng ở châu Âu và có khoảng 3,5 triệu người Đức đang sinh sống ở đây. Hitler tiếp tục xúi giục người Đức tại đây tiến hành biểu tình, bạo loạn, đòi tách khỏi Tiệp Khắc. Anh, Pháp lúc này thực sự lo sợ Đức sẽ mở rộng chiến tranh ra toàn châu Âu nên tìm cách can thiệp. Mussolini (Ý) đã đề xuất lãnh đạo các nước Anh, Pháp, Đức, Ý cùng họp tại Munich để giải quyết vấn đề Sudetenland.

Hội nghị Munich có thể coi là đỉnh cao trong chính sách dung dưỡng của Anh, Pháp đối với Đức, và cũng là sự kiện thể hiện tham vọng ngày càng lớn của Hitler. Trong cuộc họp lần 1 (15-9-1938), Hitler tuyên bố Sudetenland là đòi hỏi cuối cùng của Đức trước khi chuyển sang tấn công Liên Xô và phong trào cách mạng thế giới. Thủ tướng Anh, Chamberland, nhân nhượng để Đức có được Sudetenland. Trong cuộc họp lần 2 (22-9-1938), Đức đòi hỏi nhiều hơn, khiến Anh từ chối. Trong cuộc họp lần 3 (29-9-1938), Anh cuối cùng chấp nhận trao Sudetenland cho Đức. Đại diện Tiệp Khắc không được tham gia thảo luận mà chỉ được mời đến để nghe quyết định cuối cùng. Tiệp Khắc cũng không được đồng minh Anh, Pháp ủng hộ; nếu Tiệp Khắc kiên quyết phản đối và chống lại quân đội Đức thì sẽ phải tự chịu trách nhiệm. Như vậy, Hội nghị Munich không chỉ trao một phần đất của Tiệp Khắc cho Đức mà còn tạo cơ hội cho Đức có thêm nhiều đòi hỏi đất đai ở châu Âu. Các nước vừa và nhỏ ở châu Âu đã không còn tin tưởng Anh, Pháp nữa vì hai nước đã vì lợi ích và tính toán riêng để bán đứng đồng mình.

Thứ sáu, Đức chiếm hoàn toàn Tiệp Khắc ngày 15-3-1939. Sau hội nghị Munich, Anh và Đức đã ký hiệp định bí mật tuyên bố không tấn công quân sự lẫn nhau và sử dụng ngoại giao làm phương pháp giải quyết mâu thuẫn. Hitler thấy rằng Anh, Pháp đang dung dưỡng mình, và cũng chưa sẵn sàng cho chiến tranh nên Đức nhanh chóng đưa quân xâm lược toàn bộ Tiệp Khắc. Một lần nữa, đồng minh Anh, Pháp không có bất cứ phản ứng gì. Bầu không khí của châu Âu ngày càng ngột ngạt mùi thuốc súng.

Thứ bảy, Đức ký với Liên Xô hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau ngày 23-8-1939. Mặc dù tuyên bố chống lại chủ nghĩa cộng sản và phong trào cách mạng thế giới nhưng Hitler đã rút ra bài học từ Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất trong việc cùng lúc đối phó với 2 mặt trận nên đã tìm cách hòa hoãn với Liên Xô, để tập trung xâm lược các nước phương Tây tư bản khác.

Về phía Liên Xô, Stalin cũng lo lắng trước sự mở rộng xâm lược của phát xít nên nhiều lần tìm cách thiết lập đồng minh chống phát xít với Pháp, Tiệp Khắc, Anh; nhưng đều không thành. Thậm chí, trước đề nghị thảo luận của Liên Xô, Anh vẫn do dự, muốn sử dụng Đức để tấn công Liên Xô. Anh chỉ cử một đại diện cấp thấp không có quyền ký quyết định, và đi sang Moscow bằng phương tiện chậm để bàn bạc. Điều đó buộc Liên Xô phải lựa chọn ký hiệp ước không xâm phạm với Đức để có thêm thời gian chuẩn bị cho chiến tranh.

Thứ tám, Đức xâm lược Ba Lan ngày 1-9-1939. Sự kiện này chính là ngòi nổ trực tiếp dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ Hai (1939-1945). Đồng minh Anh, Pháp không thể đứng nhìn như trước nữa nên ngày 3-9-1939 đã tuyên chiến với Đức. Chiến tranh thế giới nổ ra ở châu Âu. Đồng thời, Ý mở rộng xâm lược ở Bắc Phi. Nhật Bản gây hấn ở châu Á - Thái Bình Dương. Chiến tranh đã lan rộng ra toàn thế giới. Đức nhanh chóng xâm lược được hầu hết các nước châu Âu và ngày 22-6-1941 bắt đầu tấn công Liên Xô. Chiến tranh thế giới trở thành cuộc chiến tranh của lực lượng cách mạng, yêu hòa bình thế giới chống lại lực lượng phát xít, quân phiệt hiếu chiến trên thế giới.

Như vậy, từ khi Hitler lên nắm quyền năm 1933 và thực thi chính sách phát xít hóa cả đối nội và đối ngoại đã khiến bầu không khí chiến tranh bao trùm toàn châu Âu. Ngoài 8 bước chuẩn bị cho chiến tranh như đã nói ở trên, Đức còn rút khỏi Hội Quốc Liên, rút khỏi các hội nghị giải trừ quân bị, đưa quân hỗ trợ lực lượng phát xít Fransco ở Tây Ban Nha (1936-1939) để chuẩn bị cho chiến tranh. Nhưng bên cạnh đó, Anh và Pháp với chính sách dung dưỡng đã tạo điều kiện cho Hitler quân sự hóa đất nước và mở rộng xâm lược ra toàn châu Âu.

TS TRẦN NGỌC DŨNG - Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Link nội dung: https://dhthaibinhduong.edu.vn/vi-sao-chien-tranh-the-gioi-thu-hai-bung-no-a56136.html