Những sự thật thú vị về nguồn gốc hãng mô tô Harley-Davidson nổi tiếng

Harley-Davidson được thành lập vào năm 1903 tại Mỹ bởi William Harley và ba anh em nhà Davidson: Walter, Arthur và William. Sau hơn một thế kỷ thành công, công ty hiện thuộc sở hữu đại chúng, với hơn 138 triệu cổ phiếu đang lưu hành tự do và hơn 24,5 triệu cổ phiếu thuộc sở hữu của công ty. Nói cách khác, các nhà đầu tư cá nhân Mỹ, nhà đầu tư nước ngoài và những người tham gia thị trường chứng khoán hiện đang sở hữu Harley-Davidson.

Tất nhiên, các công ty đầu tư như Vanguard, BlackRock và H Partners Management có một lượng cổ phần khá lớn, trong đó Vanguard sở hữu hơn 9% HOG (cổ phiếu của Harley-Davidson). Nhiều cổ phiếu trong số này sau đó được đưa vào các quỹ chỉ số, nghĩa là các cá nhân vẫn sở hữu một phần. Như vậy, Harley-Davidson là một công ty Mỹ với hàng triệu chủ sở hữu người Mỹ và nhiều chủ sở hữu khác trên khắp thế giới.

Những chiếc xe Harley-Davidson được sản xuất ở đâu?

Việc sản xuất các bộ phận và lắp ráp xe Harley diễn ra ở nhiều quốc gia với trình tự hoạt động khá phức tạp. Trong lịch sử của công ty, phần lớn xe máy Harley-Davidson và các bộ phận của chúng được sản xuất tại Mỹ. Trên thực tế, bốn nhà máy có trụ sở tại Mỹ đã hoạt động cho đến năm 2019, với hàng nghìn nhân viên và hàng trăm nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào của Mỹ. Nhưng với nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng và chi phí nhập khẩu thép leo dốc trong thế kỷ 21, một nhà máy ở Kansas đã đóng cửa và sau đó công ty đã mở một nhà máy mới tại Thái Lan để tối ưu hóa chi phí sản xuất.

Tất nhiên, khách hàng tại quê nhà Mỹ của Harley vẫn có thể mua được một mẫu mô tô được xuất xưởng từ các nhà máy lắp ráp ở Wisconsin hoặc Pennsylvania. Nhờ đó mà danh tiếng do Mỹ sản xuất của công ty vẫn được duy trì.

Việc sản xuất các bộ phận xe máy được Harley-Davidson sử dụng diễn ra ở một số nhà máy trên khắp thế giới như Mexico, Đức, Ý, Đài Loan và Nhật Bản. Một số bộ phận vẫn được sản xuất tại Mỹ và được sử dụng với tần suất đủ để gắn nhãn "Made in America" trên bất kỳ chiếc Harley nào phân phối tại Mỹ. Tuy nhiên, với rất nhiều nguồn, phụ tùng và mẫu xe máy khác nhau, gần như không thể xác định chính xác nguồn gốc của mọi bộ phận trên một chiếc xe lăn bánh.

Harley-Davidson có còn là công ty Mỹ hay không?

z5228994166709_1c92eb8671a95fd48273afb6459dff2d.jpg

Harley-Davidson là một công ty của Mỹ. Kể từ khi thành lập ở tiểu bang Milwaukee (Mỹ) vào năm 1903, gã khổng lồ về đường trường đã sản xuất hàng triệu chiếc xe máy trên đất Mỹ, bắt đầu với chiếc Harley-Davidson Model 1. Nhưng là một trong những nhà sản xuất xe máy lâu đời nhất còn tồn tại, không có gì đáng ngạc nhiên khi công ty này đã thay đổi mô hình kinh doanh của nó và đưa một số giai đoạn của quá trình sản xuất ra nước ngoài.

Gia công sản xuất, lắp ráp và cung cấp phụ tùng cho các quốc gia khác không phải là điều mới mẻ đối với Harley-Davidson. Khi cuộc Đại suy thoái ảnh hưởng nặng nề đến nguồn cung cấp cho các nhà sản xuất Mỹ, một số dòng xe Harley đã được sản xuất tại Nhật Bản. Hoạt động kinh doanh bị gián đoạn sau khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, nhưng sau chiến tranh, việc sản xuất vẫn tiếp tục và một số dây chuyền lắp ráp của Nhật Bản vẫn hoạt động cho đến cuối những năm 1950.

Harley-Davidson đã tồn tại trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa trong hơn 120 năm bằng cách thuê ngoài một số bộ phận và sản xuất. Tuy nhiên, mọi chiếc Harley bán ở thị trường Mỹ đều được lắp ráp trong nước thay vì nhập khẩu từ các nhà máy nước ngoài. Rõ ràng, hãng xe hoàn toàn có thể chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất của mình ra nước ngoài để tối ưu hóa chi phí, nhưng Harley đã lựa chọn giữ lại “chất Mỹ” của mình nhiều nhất bằng cách duy trì phần lớn hoạt động sản xuất, lắp ráp của mình tại quê nhà. Vì thế, Harley-Davidson vẫn là một thương hiệu Mỹ đầy ấn tượng.

Link nội dung: https://dhthaibinhduong.edu.vn/xe-mo-to-harley-a56585.html