Bạch cầu lympho giảm có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng và dễ mắc phải một số bệnh lý khác. Tùy vào từng trường hợp giảm bạch cầu lympho, người bệnh có thể cần hoặc không cần điều trị. Vậy nguyên nhân giảm bạch cầu lympho là gì? Điều trị ra sao?
Bạch cầu lympho giảm (Lymphopenia) là tình trạng có quá ít tế bào bạch cầu lympho trong máu (lượng tế bào lympho < 1.000/ microlit máu đối với người lớn và < 3.000/ microlit máu đối với trẻ em).
Ước tính khoảng 20 - 40% tế bào bạch cầu trong cơ thể của một người là tế bào bạch cầu lympho [1]. Các tế bào bạch cầu này tham gia vào hoạt động giúp cơ thể chống lại những tác nhân có thể gây bệnh, bao gồm vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng. Chúng cũng có thể giúp tiêu diệt những tế bào bất thường, ví dụ như tế bào ung thư.
Bạch cầu lympho có thể được phân chia thành 3 loại, bao gồm: tế bào lympho T, tế bào lympho B và tế bào NK (tế bào tiêu diệt tự nhiên). Vì vậy, khi bạch cầu lympho giảm có thể khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng, dễ mắc bệnh hơn.
Tình trạng giảm bạch cầu lympho có thể được xác định bằng loại tế bào lympho bị tác động. Chẳng hạn như virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) đặc biệt nhắm vào tế bào T CD4 để lây nhiễm, dẫn đến tình trạng mất hàng loạt tế bào T CD4. Tế bào B có liên quan nhiều hơn đến thuốc ức chế miễn dịch (ví dụ như thuốc dùng cho người được ghép nội tạng). Tình trạng suy giảm tế bào NK hiếm khi xảy ra.
>> Tham khảo thêm về tình trạng: Bạch cầu lympho tăng
Một số nguyên nhân giảm bạch cầu lympho gồm:
Vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm đều có thể gây nhiễm trùng, dẫn đến giảm bạch cầu lympho. Tình trạng nhiễm trùng có thể loại bỏ những tế bào bạch cầu nhanh hơn tốc độ chúng được sản sinh hoặc làm hoạt động của tủy xương bị gián đoạn tạm thời. Những căn bệnh nhiễm trùng có thể làm bạch cầu lympho giảm bao gồm: HIV/AIDS, Covid-19, cúm, viêm gan siêu vi, bệnh sởi, sốt rét, bệnh lao, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, sốt thương hàn…
Một người có thể bị giảm bạch cầu lympho nếu chế độ dinh dưỡng không cung cấp đủ lượng protein hoặc không có đủ vitamin, khoáng chất như vitamin B12, axit folic, kẽm… Đây chính là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến chứng bạch cầu lympho giảm trên toàn thế giới.
Các vấn đề sức khỏe di truyền từ bố mẹ ruột có thể dẫn đến tình trạng giảm bạch cầu lympho, bao gồm: suy giảm miễn dịch biến đổi thông thường, giãn mạch và rối loạn điều hòa, hội chứng Wiskott-Aldrich, hội chứng DiGeorge (hội chứng mất đoạn nhiễm sắc thể 22q11.2) [2], hội chứng suy giảm miễn dịch kết hợp nghiêm trọng (SCID)…
Bệnh tự miễn xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh của cơ thể, có thể bao gồm tế bào lympho, dẫn đến chứng bạch cầu lympho giảm. Những tình trạng này bao gồm: bệnh u hạt, lupus, nhược cơ, viêm khớp dạng thấp…
Những rối loạn về máu và ung thư có thể tác động đến khả năng sản sinh tế bào lympho của cơ thể, làm giảm bạch cầu lympho, chẳng hạn như: u lympho Hodgkin (một loại ung thư máu phát triển trong tế bào lympho), bệnh bạch cầu (một loại ung thư của các mô tạo máu), thiếu máu bất sản (đây là tình trạng mà trong đó tủy xương ngừng sản xuất đủ tế bào hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu), hội chứng loạn sản tủy (một nhóm các rối loạn làm gián đoạn quá trình sản sinh tế bào máu)…
Một số phương pháp chữa trị ung thư và thuốc điều trị bệnh tự miễn có thể làm bạch cầu lympho giảm, cụ thể bao gồm: xạ trị, hóa trị, ghép tủy xương, thuốc ức chế miễn dịch (bao gồm corticosteroid), các ca phẫu thuật lớn… Việc chữa trị bệnh viêm gan siêu vi bằng thuốc ribavirin và peginterferon có thể gây ức chế tế bào lympho ở một số người. Ở những người bệnh khác, thuốc ribavirin và peginterferon có thể tác động đến toàn bộ các tế bào bạch cầu (làm giảm bạch cầu).
Uống quá nhiều bia, rượu (đặc biệt là uống lâu ngày) sẽ gây tác động tiêu cực đến hệ miễn dịch, đồng thời có thể làm giảm bạch cầu lympho.
Tình trạng bạch cầu lympho giảm có thể không gây ra triệu chứng nào [3]. Tuy nhiên, nếu trình trạng này đi kèm với một số bệnh lý thì có thể dẫn đến các triệu chứng như: ho, sốt, sổ mũi, nổi hạch, rụng tóc, phát ban, chàm (da đỏ, ngứa lâu ngày), mụn mủ da (những vết sưng trên da chuyển thành vết loét hở, sưng tấy), giãn mao mạch, nổi mụn cóc, bệnh vàng da (da và mắt chuyển sang màu vàng), da nhợt nhạt, xuất hiện vết bầm tím, loét trong miệng, sưng khớp, lách to, hạch to nhiều nơi, amidan bị thiếu hoặc bất thường, sụt cân không rõ lý do, đổ mồ hôi đêm…
Ở chứng giảm bạch cầu lympho nghiêm trọng, người bệnh có thể bị nhiễm trùng kéo dài (bệnh lao) hoặc nhiễm trùng thường xuyên (viêm phổi hoặc cảm lạnh). Một người có thể không gặp bất kỳ triệu chứng nào nếu chỉ xảy ra tình trạng số lượng bạch cầu lympho giảm mức độ nhẹ.
Tình trạng bạch cầu lympho giảm làm tăng nguy cơ mắc bệnh, có thể tác động lớn đến sức khỏe như các chứng nhiễm trùng, gây nguy hiểm cho người bệnh.
Giảm bạch cầu lympho có thể dẫn đến các chứng nhiễm trùng bất thường, diễn ra dai dẳng, lặp đi lặp lại. Một số chứng nhiễm trùng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng như viêm nội tâm mạc, nhiễm trùng huyết… có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Ngoài ra, tình trạng bạch cầu lympho giảm còn có thể làm gia tăng nguy cơ bị các căn bệnh dị ứng, gặp một số tình trạng bệnh lý khác như bệnh tự miễn, ung thư.
Tình trạng giảm bạch cầu lymphocyte (lymphocyte là thuật ngữ tiếng Anh của tế bào lympho) có thể được xác định thông qua các phương pháp chẩn đoán, xét nghiệm gồm:
Bác sĩ sẽ thăm khám, xem xét các triệu chứng, tiền sử bệnh lý, tìm hiểu về lối sống của người bệnh… để có thể đưa ra chẩn đoán.
Bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh thực hiện một số kỹ thuật xét nghiệm kiểm tra máu và tủy xương để chẩn đoán chứng giảm bạch cầu lympho.
Người bệnh có thể được chỉ định làm xét nghiệm để kiểm tra các bệnh lý và tình trạng sức khỏe liên quan đến chứng giảm bạch cầu. Những kỹ thuật xét nghiệm này có thể bao gồm xét nghiệm lao, xét nghiệm HIV, xét nghiệm Covid-19, xét nghiệm cúm…
Nếu người bệnh bị giảm bạch cầu lympho mức độ nhẹ mà không có nguyên nhân tiềm ẩn thì có thể không cần chữa trị. Tình trạng rối loạn này có thể tự cải thiện. Tuy nhiên, nếu người bệnh bị nhiễm trùng bất thường, nhiễm trùng tái phát hoặc nhiễm trùng kéo dài, bác sĩ có thể chỉ định điều trị các căn bệnh nhiễm trùng này. Trong trường hợp người bệnh mắc bệnh lý hoặc tình trạng sức khỏe làm bạch cầu lympho giảm, bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp chữa trị.
Người bệnh nên thăm khám, điều trị chứng bạch cầu lympho giảm tại các bệnh viện uy tín, đơn cử như Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7. Những cơ sở y tế này được trang bị nhiều máy móc tân tiến, chẳng hạn như hệ thống máy xét nghiệm tổng quát, xét nghiệm máu hiện đại…, quy tụ đội ngũ bác sĩ dày dặn kinh nghiệm, cung cấp các dịch vụ thăm khám, điều trị hiệu quả nhiều bệnh lý liên quan đến bạch cầu, huyết học.
Không có phương pháp cụ thể nào để giúp làm tăng mức độ tế bào lympho. Nếu một người bị giảm bạch cầu lympho, bác sĩ có thể cần chữa trị nguyên nhân cơ bản. Đôi khi bạch cầu lympho giảm mà không có lý do cụ thể. Tùy vào mức độ giảm bạch cầu lympho, bác sĩ có thể tư vấn cho người bệnh thực hiện những biện pháp phòng ngừa để tránh tình trạng nhiễm trùng, áp dụng chế độ dinh dưỡng cân bằng, khoa học… đến khi cơ thể sản sinh nhiều bạch cầu lympho hơn.
Một số câu hỏi liên quan đến chứng bạch cầu lympho giảm:
Nếu nguyên nhân gây giảm bạch cầu lympho là do tác nhân di truyền thì không thể phòng ngừa.
Nhưng mỗi người có thể hạn chế nguy cơ bị giảm bạch cầu lympho do một số bệnh lý, tác nhân khác, ví dụ như: thực hiện những cách phòng ngừa để bảo vệ bản thân khỏi các loại vi khuẩn có thể gây bệnh; quan hệ tình dục an toàn để hạn chế nguy cơ bị bệnh lây qua đường tình dục; uống rượu ở mức vừa phải (mỗi ngày không uống quá một lon bia, một ly rượu vang hoặc một ly rượu vang mạnh); áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học, giàu dưỡng chất để cung cấp năng lượng; ngủ đủ giấc…
Tình trạng giảm bạch cầu lympho không phải ung thư, nhưng bệnh ung thư có thể khiến bạch cầu lympho giảm nếu chúng cản trở cơ thể tạo ra tế bào lympho. Một số phương pháp chữa trị ung thư có thể làm giảm tạm thời mức tế bào lympho.
Thăm khám và điều trị tình trạng giảm bạch cầu lympho tại chuyên khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Tóm lại, tình trạng bạch cầu lympho giảm có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân. Tùy vào mức độ giảm bạch cầu lympho, tác nhân gây bệnh… bác sĩ sẽ đề ra phương hướng chữa trị phù hợp khi cần.
Link nội dung: https://dhthaibinhduong.edu.vn/benh-giam-bach-cau-trong-mau-a58919.html