Lữ hành - Vận chuyển

Toàn cảnh Lai Châu

Ngoài lợi thế về vị trí địa lý, Lai Châu còn là tỉnh sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng mang những dấu ấn độc đáo. Du khách đến với Lai Châu sẽ được thăm các di tích lịch sử văn hóa, chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên rừng núi trùng điệp, khám phá văn hóa các dân tộc, thưởng thức các làn điệu hát then, và các món ăn đặc sản núi rừng Tây Bắc... Đây là những tiềm năng quý giá để Lai Châu phát triển các loại hình du lịch như tham quan, sinh thái, nghiên cứu văn hóa, thể thao mạo hiểm hay nghỉ dưỡng…

Danh lam thắng cảnh

Lai Châu được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan hùng vĩ, tươi đẹp. Nơi đây có những đỉnh núi cao đang vẫy gọi bước chân chinh phục của du khách, những dòng thác đêm ngày tung bọt trắng xóa cùng từng mảng màu vàng óng của những bậc thang lúa nương đợi ngày thu hoạch. Đến Lai Châu, du khách còn được thỏa đam mê khám phá, tìm hiểu văn hóa vùng cao, trải nghiệm cuộc sống giản dị mộc mạc của người miền núi, đó là bản Sin Suối Hồ của người Mông bốn mùa trong lành, mát lạnh; là nụ cười răng đen tỏa nắng của những cô gái Lào, Lự tại Bản Hon, Nà Luồng (huyện Tam Đường); là những đêm xòe không ngủ, ngất ngây với tính tẩu và rượu ngô ở Vàng Pheo (Phong Thổ)…

Thác Tác Tình

Thác Tác Tình còn có tên gọi khác là thác Tắc Tình hay theo cách gọi thân thương của người dân nơi đây là thác Tình. Đây là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn và thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến chiêm ngưỡng. Thuộc địa phận thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường, thác Tác Tình nằm giữa một vùng núi non trùng điệp, nhìn từ xa thác giống như một dải lụa mềm mại đang thả mình trong không gian bao la của núi rừng hùng vĩ. Du khách hãy đến với Thác Tình để một lần được chiêm ngưỡng, khám phá bức tranh thơ mộng, hoang sơ của miền đất này, được tận hưởng những giây phút thư thái, lâng lâng và nghe người dân nơi đây kể về mối tình thủy chung son sắc của đôi trai gái đã tạo nên ngọn thác vừa mang vẻ đẹp quyến rũ lại vừa huyền bí làm say đắm lòng người.

Quần thể danh thắng động Pu Sam Cáp

Cách thành phố Lai Châu khoảng 6km, bên tỉnh lộ 129 nối thành phố Lai Châu với huyện Sìn Hồ, quần thể hang động Pu Sam Cáp được ví là “Tây Bắc đệ nhất động”. Hiện, Pu Sam Cáp có hai động đang đón khách du lịch là động Thiên Môn và động Thiên Đường với nhiều nhũ đá kỳ ảo, huyền bí, ẩn chứa nhiều câu chuyện cảm động của con người miền núi. Pu Sam Cáp luôn là lời mời gọi hấp dẫn đối với du khách gần xa.

Động Pu Sam Cáp

Nhà máy Thủy điện Lai Châu

Thủy điện Lai Châu tọa lạc tại xã Nậm Hàng với công suất 1.200MW đứng thứ 3 cả nước. Dung tích toàn bộ hồ chứa là 1.215 triệu mét khối tạo nên một hồ chứa nước khổng lồ giữa thiên nhiên bạt ngàn với mặt hồ trong vắt, bầu trời xanh trong đẹp như bức tranh thủy mặc. Ngoài việc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đây còn là một địa chỉ tham quan hấp dẫn khi đến với Nậm Nhùn. Du ngoạn trên lòng hồ thủy điện, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh quan tuyệt sắc của mênh mông sóng nước, của núi non hùng vĩ và những bản làng ẩn hiện ven sông.

Nhà máy Thủy điện Lai Châu về đêm

Bản Vàng Pheo

Nằm cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 30km, bản Vàng Pheo (xã Mường So, huyện Phong Thổ) mang trong mình những nét văn hóa đặc trưng của người Thái trắng. Với bản sắc văn hóa đặc trưng cùng điệu xòe không tuổi, ẩm thực độc đáo và khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, hữu tình, bản Vàng Pheo được biết đến như một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn của Lai Châu. Đến với Vàng Pheo, ngoài chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, du khách còn có dịp trải nghiệm các sinh hoạt hàng ngày cùng dân bản như: nấu các món ăn truyền thống (sâu đá, rêu đá, cá bống vùi tro, cá suối nướng, măng đắng, canh rau đắng…); chăm sóc gia súc, gia cầm; lên rừng lấy củi; xuống suối bắt cá; xe tơ; dệt vải hay tham gia các hoạt động văn hóa như múa xòe, múa quạt, hát dân ca Thái, nhảy sạp…)

Cao nguyên Sìn Hồ

Trập trùng núi đá, bồng bềnh biển mây, xen lẫn những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn và bản sắc văn hóa của các dân tộc, Sìn Hồ đã và đang là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Khởi hành từ thành phố Lai Châu theo tỉnh lộ 129, 135 hơn 60km du khách sẽ có mặt tại thị trấn Sìn Hồ. Với khí hậu trong lành, mát mẻ, bốn mùa mây phủ, Sìn Hồ được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến như Sapa thứ hai của Tây Bắc. Đến Sìn Hồ, du khách sẽ được đắm mình trong sắc màu chợ phiên, giao lưu với những cô gái duyên dáng và các chàng trai khỏe mạnh, tắm thuốc của người Dao, thỏa sức ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.

Một góc thị trấn Sin Hồ

Bản du lịch cộng đồng Sin Súi Hồ

Cách thành phố Lai Châu hơn 30km, bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ - huyện Phong Thổ) là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến với Lai Châu. Nằm ở độ cao gần 1.500m, thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn huyền thoại, Sin Suối Hồ hấp dẫn du khách bởi cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu trong lành. Đến với Sin Súi Hồ, du khách còn được đắm mình trong bạt ngàn sắc hoa địa lan, vườn đào, rừng thảo quả, cảnh quan thác Trái Tim, hòa mình vào nếp sống bình dị thân thiện và khám phá những nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Mông.

Di tích lịch sử - Văn hóa

Lai Châu là vùng đất có kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đặc sắc cùng nhiều di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng có giá trị. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 22 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 5 di tích cấp quốc gia và 17 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Lai Châu là vùng đất còn lưu giữ nhiều di tích minh chứng nền văn minh của người Việt cổ tại các hang động. Hệ thống các di chỉ khảo cổ ở Lai Châu đều có giá trị lịch sử văn hóa và hấp dẫn du khách đến tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu.

Di tích lịch sử văn hóa đền thờ vua Lê Thái Tổ và bia đá bảo vật quốc gia

Di tích nằm cách trung tâm thành phố Lai Châu 110km về phía Tây Nam, thuộc địa phận hành chính xã Lê Lợi và xã Pú Đao, huyện Nậm Nhùn. Theo sử cũ, sau khi cùng với quân dân cả nước đánh tan cuộc chiến tranh xâm lược của giặc Minh (năm 1428), năm 1431 Lê Lợi đã cầm quân dọc sông Đà lên dẹp yên tù trưởng Cát Hãn làm phản, chấm dứt sự ảnh hưởng của nhà Minh, thống nhất bờ cõi đất nước. Sau khi thắng trận (tháng 1/1432), Lê Lợi đã khắc bút tích trên bia đá (bia Lê Lợi) nhằm răn đe những kẻ làm phản nơi phên dậu của Tổ quốc, khẳng định chủ quyền và thống nhất quốc gia lúc bấy giờ. Năm 2012, bia Lê Lợi đã được di dời đến khuôn viên đền thời vua Lê Thái Tổ cách vị trí cũ 500m, tích bia Lê Lợi thuộc xã Lê Lợi và xã Pú Đao, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định 10/VH-QĐ, ngày 2/9/1981, thuộc danh mục số 185 của Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích cấp quốc gia và đến năm 2016 chính thức được công nhận là một trong những bảo vật vô giá của quốc gia. Đây là công trình văn hóa, tâm linh để mỗi người dân Lai Châu kính nhớ đến công lao của người Anh hùng dân tộc Lê Lợi.

Bản Nà Củng và hang kháng chiến Nà Củng

Nà Củng được biết đến là một trong những điểm đầu tiên mà người Thái trắng di cư vào Lai Châu chọn làm nơi lập bản sinh sống. Cách thành phố Lai Châu gần 30km, bản Nà Củng nằm giữa một thung lũng yên bình có dòng Nậm So trong mát, róc rách bốn mùa, có cánh đồng Tùng So ngạt ngào hương lúa. Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện, trong bản còn có di tích hang kháng chiến Nà Củng là nơi người dân đã che giấu bộ đội trong những năm tháng chiến tranh.

Miếu nàng Han

Miếu nàng Ham nằm bên bờ suối Nậm So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Đây là nơi thờ nàng Han một người con gái có tài, sắc đã dũng cảm cùng cha đứng lên chống giặc xâm lăng. Tương truyền, nàng Han xuất thân trong một gia đình người Thái nghèo ở Chiềng Sa (nay là xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Nàng đã cải trang thành nam giới, đứng lên kêu gọi thanh niên trai tráng các bản đoàn kết đánh giặc. Nàng đứng đầu cuộc khởi nghĩa của đồng bào 16 xứ Thái quật cường đánh bại giặc xâm lược phương Bắc. Sau khi dẫn đoàn quân thắng trận trở về, nàng tắm gội ở mó nước Tây An (xã Mường So) rồi bay lên trời. Từ đó, nhớ công ơn của nàng Han, bà con lập đền thờ và tổ chức lễ hội ngay ở mó nước nàng tắm.

Di chỉ khảo cổ học Thẳm Đán Chể

Di chỉ khảo cổ học Thẳm Đán Chể thuộc xã Mường Kim, huyện Than Uyên, nằm trên sườn của một ngọn núi thấp, phía Bắc là cánh đồng Nà Púng, phía Tây có cánh đồng Nà Thẳm và dòng suối Nậm Bốn. Đây là một trong những di tích khảo cổ học đặc biệt quan trọng trong hệ thống di tích cổ sinh hóa thạch ở miền Bắc nói chung và Lai Châu nói riêng. Thẳm Đán Chể là di tích hang động duy nhất có đủ các thông tin về các quần động vật cổ xưa nhất của loài người trên đất nước ta, với các giai đoạn trung kỳ, hậu kỳ Cánh tân, cùng di tích khảo cổ hang động thời đại đá cũ, đá mới; là nguồn sử liệu vô cùng quan trọng góp phần nghiên cứu vấn đề nguồn gốc loài người và các nền văn hóa cổ xưa nhất của loài người trên lãnh thổ Việt Nam.

Di tích bản Lướt

Di tích nằm ở độ cao trên 600m so với mặt biển, thuộc lưu vực đầu nguồn suối Nậm Bốn (phân lưu cấp 1 của sông Nậm Mu) nơi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có vị trí giao thông thuận lợi gần quốc lộ 32, 279…, nơi sở hữu khí hậu điển hình của vùng nhiệt đới núi cao quanh năm mát mẻ. Di tích bản Lướt xã Mường Kim là nơi thành lập Ban cán sự, Chi bộ Đảng đầu tiên, đây là tiền thân của Đảng bộ tỉnh Lai Châu ngày nay. Khu di tích được đầu tư xây dựng bia tưởng niệm. Tháng 10/2003 huyện Than Uyên vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Năm 2009, Di tích bản Lướt được tỉnh công nhận là di tích lịch sử cách mạng.

Làng nghề truyền thống

Miến dong Bình Lư

Miến dong Bình Lư không có sắc vàng bóng bẩy, bắt mắt như miến của làng Cự Đà (Hà Nội) nhưng lại mang trong mình sức hấp dẫn kỳ lạ với người thưởng thức. Miến có mùi thơm đặc trưng, không bị chua, vị giòn dai, sợi miến nhỏ khi nấu lên rất mềm nhưng không bị dính và đặc biệt hơn cả là miến có thể nấu lại từ 2 - 3 lần mà không bị nát. Với ưu thế vượt trội, miến dong Bình Lư đã gây dựng được niềm tin nơi người tiêu dùng và trở thành một trong những đặc sản của vùng cao Lai Châu.

Nghề thêu

Ở Lai Châu, nghề thêu có ở nhiều dân tộc nhưng nổi bật nhất vẫn là những đường nét thêu hoa văn của người Dao, người Mông, người Thái, người Hà Nhì, người Lự... Ngoài thêu trang trí trên các bộ trang phục sao cho hài hòa, lộng lẫy, thì các sản phẩm thêu còn được trang trí trên các đồ trang trí như: khăn, túi, mũ... Các mẫu hoa văn thể hiện óc sáng tạo, tinh tế của người thêu gửi gắm trong đó. Hiện nay, nghề thêu truyền thống vẫn được đồng bào các dân tộc gìn giữ và lưu truyền.

Nghề dệt

Nghề dệt được đồng bào dân tộc coi trọng và xem như thước đo của sự khéo léo, đánh giá vai trò của một người phụ nữ trong gia đình, trong bản. Đa số phụ nữ Lự, Thái, Dao, Mông… đều thành thạo trong việc thêu thùa, dệt vải. Nguyên liệu để dệt là cây bông và lanh. Sản phẩm dệt của đồng bào dân tộc khá phong phú về chủng loại và họa tiết hoa văn rất độc đáo. Ngoài dệt quần áo, váy thì sản phẩm dệt hiện nay còn có các loại túi, khăn, địu, chăn, ga, gối cũng rất bắt mắt… Du khách có thể chọn lựa cho mình những sản phẩm ưng ý để làm quà, làm kỉ niệm với mức giá phù hợp.

Lễ hội Lai Châu

Đến Lai Châu vào mùa lễ hội, du khách sẽ được hòa mình vào không khí vui tươi hạnh phúc của đồng bào dân tộc nơi đây. Người Lào có Hội Bun Vốc Nặm, người Thái có Then Kin Pang, có Kin lẩu Khẩu mẩu.., người Dao đợi Lễ Tủ Cải, người Hà Nhì vui Hội Gạ Ma Thú…, rồi Tết ngô, đến cốm mới… Hầu hết các lễ hội truyền thống ở Lai Châu đều mang tính chất tín ngưỡng dân gian, đậm chất thơ ca và diễn xướng dân gian hàm chứa lời dạy bảo con cháu những điều hay lẽ phải, đoàn kết cộng đồng. Trong các lễ hội thường có các trò chơi dân gian dân tộc để cộng đồng bản mường cùng vui chung.

Độc đáo lễ hội Nhảy lửa

Ẩm thực

Đến Lai Châu, du khách sẽ được thưởng thức rất nhiều món ăn độc đáo. Không phải sơn hào hải vị, cũng chẳng phải của ngon vật lạ trên đời, nhưng ẩm thực của người Lai Châu vẫn chinh phục được vị giác của những thực khách khó tính nhất. Có lẽ bởi những thứ gia vị cay nồng hăng hắc của mắc khén, ngai ngái thơm lạ của thảo quả được hòa trộn, được tẩm ướp bởi bàn tay khéo léo của những người chủ nhà nồng hậu, mến khách. Mâm cơm của người Lai Châu không thể thiếu được những sắc màu bắt mắt của món xôi ngũ sắc, không thiếu được vị ngậy của cá nướng “Pa pỉnh”, bát canh rau rừng, những củ măng đắng, hay vị cay nồng, thơm phức của bát chẩm chéo… Mỗi dân tộc có những nét ẩm thực riêng nhưng có chung một tấm lòng hiếu khách, để sau mỗi chén rượu được uống hết là những cái bắt tay nhau thật chặt và thân thương.

Xôi ngũ sắc - đặc sản vùng đất Lai Châu

Có thể nói, thiên nhiên và con người của vùng đất Lai Châu đã đan xen, hòa quyện trong nhau, kết thành một nền tảng văn hóa đặc thù bền chặt trường tồn với thời gian. Đây là những tiềm năng to lớn để Lai Châu phát triển du lịch; là miền đất hứa cho những chuyến du lịch khám phá, trải nghiệm của du khách trong nước và quốc tế.

Link nội dung: https://dhthaibinhduong.edu.vn/lai-chau-mien-nao-a59655.html