Người bị cuồng cơ bắp luôn thấy mặc cảm về ngoại hình chưa đủ vạm vỡ.
Diego Mercado (22 tuổi) bắt đầu ám ảnh về thân hình cơ bắp vào năm 16 tuổi sau khi thấy những anh chàng 6 múi trong rạp phim ở Bronx (New York, Mỹ).
“Tôi cũng muốn có cơ thể tuyệt mỹ như thế. Ngay lúc đó, tôi đã quyết định mình cũng phải vóc dáng như họ”, Mercado nói.
Thay vì chăm chú vào việc học ở trường, Mercado lao vào tập luyện tại một trung tâm thể hình, nghiêm túc làm theo những bài cử tạ ở cường độ cao.
Không chỉ Mercado, tại đây còn có các vận động viên và chàng trai coi việc rèn luyện sức mạnh trở thành một phần bản sắc của họ.
Mercado chăm chỉ tập gym suốt những tháng sau đó và cảm thấy áp lực vì nhận nhiều lời phán xét từ mọi người. Trông anh to khỏe, bảnh bao hơn nhưng những người bạn của Mercado lại không công nhận như vậy.
Sau khi nghiên cứu, anh nhận ra mình có mức testosterone thấp và tự bổ sung thêm steroid đồng hóa, có tác dụng tăng cường hoạt động thể chất, phát triển độ chắc khỏe của khối cơ, giảm mỡ, mà không có chỉ định của bác sĩ.
Chàng trai trở nên ám ảnh với việc tập luyện và ăn kiêng. Thậm chí, anh có thể đến phòng gym 2-3 buổi/ngày. Trên trang cá nhân, Mercado thường xuyên chia sẻ hành trình có được cơ bụng 6 múi và bắp tay cuồn cuộn, theo Men's Health.
“Khi đến trung tâm thể hình, tôi đột nhiên thấy tự tin hơn hẳn và luôn tràn đầy năng lượng. Lời khen ngợi từ những người xung quanh khiến tôi càng đắm chìm trong thân hình mơ ước.
Thậm chí tôi còn bỏ công việc bartender ở một nhà hàng để tập trung vào rèn luyện. Nó đã chiếm lấy cuộc đời tôi mà tôi không nhận ra. Tôi thực sự đã trở thành một con người khác”, Mercado thừa nhận.
Tuy nhiên, niềm vui đó không tồn tại được lâu khi những vấn đề về sức khỏe liên tục đến với Mercado.
Trong một buổi tối đi chơi với bạn bè, anh cảm thấy nóng bất thường, đổ mồ hôi, đầu đập thình thịch và bất ngờ ngã lăn ra sàn. Nhớ lại khoảnh khắc đó, Mercado tưởng như mình sắp chết.
Ám ảnh về cơ bắp khiến nam giới lao vào tập luyện quá sức. Ảnh: Heathline.
Sau khi được cấp cứu, bác sĩ thông báo lượng huyết sắc tố của anh quá cao nên cản trở lưu thông máu.
Lúc này, Mercado mới nhận thức được sự ám ảnh của anh với thân hình cơ bắp đã khiến bản thân vật lộn với hậu quả của hội chứng loạn dưỡng cơ (MD).
May mắn, anh được cảnh báo trước khi phát sinh thêm những bệnh khác liên quan đến đau tim, đột quỵ. Ở tuổi 22, chàng trai vẫn đam mê thể hình nhưng anh đã biết tập luyện đúng cách theo tiến độ.
Tuy nhiên, Mercado vẫn mang một gánh nặng tâm lý vì quá trình sản xuất hormone của anh có thể bị thay đổi vĩnh viễn, ảnh hưởng đến mọi thứ từ testosterone đến serotonin.
Giới khoa học gọi những người bị cuồng cơ bắp là bigorexia. Đây là một dạng của bệnh mặc cảm ngoại hình liên quan đến việc bị ám ảnh về cơ thể chưa đủ vạm vỡ, to lớn.
Một nghiên cứu năm 2019 của Đại học California (San Francisco) về thanh niên Mỹ cho thấy hơn 1/5 nam giới thực hiện các hành vi rối loạn ăn uống liên quan đến cải thiện cơ bắp.
40% đàn ông có cân nặng bình thường cố gắng làm mọi cách để tăng kg hoặc biến bản thân trở nên to khỏe hơn.
Jason Nagata, trợ lý giáo sư tại UCSF, cho biết rối loạn cơ đi kèm với sự suy giảm chức năng hàng ngày. Việc không hài lòng với ngoại hình của bản thân có thể thúc đẩy họ tìm kiếm các phương pháp cực đoan.
“Những người đàn ông mắc chứng ám ảnh về cân nặng, chế độ ăn uống và tập thể dục có thể tác động xấu đến chất lượng cuộc sống của họ. Điều đó khiến họ không thể tận hưởng những gì đang diễn ra và làm gián đoạn công việc, học hành”, Nagata nhận xét.
Khi kết quả không như kỳ vọng, nhóm nam giới này có xu hướng tập luyện quá sức, ăn kiêng nhiều hơn để đạt được các mục tiêu liên tục thay đổi.
Mạng xã hội và phim ảnh có tác động đến nhận thức của nam giới về tiêu chuẩn vóc dáng. Ảnh: Elle.
Với sức ảnh hưởng của phương tiện truyền thông, quảng cáo, tạp chí, phim ảnh, thân hình cơ bắp, bụng 6 múi dần trở thành lý tưởng được các chàng trai theo đuổi. Với nhiều trường hợp, nó còn được xem là biểu tượng của sự nam tính và cuộc sống tốt đẹp.
Mạng xã hội còn góp một “cánh tay đắc lực” vào việc thổi bùng khát khao có vóc dáng to lớn ở phái mạnh.
“Trước đây, người dùng chỉ tiếp thu thông tin từ KOL. Nhưng giờ thì ai cũng đều có thể trở thành người có ảnh hưởng. Họ thoải mái thể hiện cơ thể của mình trên mạng”, Nagata nói.
Trong một nghiên cứu năm 2020, các nhà khoa học đã phân tích 1.000 bài đăng trên Instagram được tạo bởi nam giới. Những tài khoản thường xuyên đăng ảnh khoe sự khỏe khoắn, vạm vỡ nhận được nhiều lượt thích và bình luận hơn nhóm còn lại.
“Giới trẻ ngày nay cảm thấy áp lực phải trở thành người giỏi nhất hoặc nổi bật nhất. Chăm chút cơ thể là cách họ thể hiện điều đó”, Roberto Olivardia, giảng viên tâm lý học tại Trường Y Harvard, cho biết.
Katharine Phillips, giáo sư tâm thần học tại Weill-Cornell Medicine, đã có kinh nghiệm điều trị chứng rối loạn cơ bắp trong hơn 30 năm.
Những bệnh nhân cô tiếp nhận thường rơi vào tình trạng đau khổ nghiêm trọng. Họ dành 3-5 giờ mỗi ngày để lo lắng về ngoại hình của mình, ngắm bản thân trong gương và cố gắng sửa ảnh thật hoàn hảo.
Hội chứng cuồng cơ bắp có thể gây ra các bệnh liên quan đến rối loạn ăn uống. Ảnh: Men's Health.
“Nó có thể trầm trọng hơn khi bệnh nhân chỉ muốn ở trong nhà dẫn đến ý định tự tử”, Phillips nói.
Thậm chí, nhiều người còn căng thẳng đến mức tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ để giúp họ trở thành nhân vật được photoshop và không phân biệt đâu là ảo, đâu là thực.
Thực tế, việc rèn luyện rèn luyện sức khỏe và mong muốn có được cơ thể vạm vỡ không có gì xấu. Điều đáng quan ngại là việc đàn ông quá ám ảnh với quan niệm về nam tính và bỏ qua những yếu tố khác.
Việc sẵn sàng uống những loại thuốc nguy hiểm để làm tăng cơ bắp, xây dựng chế độ dinh dưỡng tiêu cực bất chấp tổn hại thể chất và tinh thần cần được loại bỏ.
Link nội dung: https://dhthaibinhduong.edu.vn/trai-6-mui-co-bap-a60971.html