VĂN HÓA - GIẢI TRÍ > Sáng tác - Biên khảo

Ăn trầu là tập tục có từ lâu đời ở một số quốc gia Ðông Nam Á. Riêng ở Việt Nam, tục lệ này đã có từ hàng ngàn năm qua và đã trở thành một nét đẹp trong bản sắc văn hóa truyền thống từ xưa đến nay.

Dạy cách têm trầu. Ảnh: DUY KHÔI

Ăn trầu là một cách nói gọn, bởi ăn trầu còn có sự kết hợp của các thành phần khác. Người ta dùng tên lá trầu không để chỉ chung cho 5 thứ trong cả miếng trầu, trong đó có 4 thứ chính: lá trầu không, cau, vỏ cây, vôi tôi. Về sau, người nào ăn được thuốc lào thường nhai thêm vài sợi thuốc lào hoặc vo nhúm thuốc lào nhỏ thành viên để xỉa và miết vào răng giữ lại hương vị của miếng trầu. Thoạt đầu, người ta dùng lá trầu không cuộn nhiều vòng tròn lại, gài cuốn lá vào cánh lá để giữ cho lá khỏi tở ra. Cau tươi (hoặc khô) bổ cả hạt, thành miếng, một chút vỏ cây, quệt một ít vôi tôi rồi cho tất cả vào miệng nhai. Nhai kỹ rồi lấy thuốc lào xỉa và miết răng. Gọi là ăn trầu, nhưng người ta chỉ nuốt nước cốt và nhả bã trầu không ăn. Người ăn trầu hít lấy nước từ trầu đã nhai trong miệng, vị chát, cay, hơi đắng và một cảm giác say say như uống rượu. Nước trầu làm người nóng lên, hơi thở nồng ấm, các cô gái thường mặt đỏ, má hây hây, mắt long lanh. Một cảm giác thú vị khiến người ăn trầu dễ thích, dễ say, dễ thành nghiện. Người ta muốn truyền cảm giác êm ái lâng lâng này cho người thân quý, cho bạn bè nên mời ăn trầu. “Tục ăn trầu đã được truyện cổ “Sự tích trầu cau” làm thiêng liêng hóa việc ăn trầu. Ðó là chuyện riêng của ba người nhưng là mang tâm hồn của muôn người, mang ý nghĩa nhân văn cao cả và đạo đức của người Việt”(1).

Câu chuyện ấy được kể như sau: Ngày xưa, vào thời kỳ Hùng Vương có vị quan họ Cao sinh được hai người con trai giống nhau như đúc. Bố mẹ gửi cả hai đến học vị thầy họ Lưu, cũng là bạn của gia đình. Khi hai chàng được 17 tuổi thì người cha chết, sau đó người mẹ cũng qua đời. Thầy Lưu có người con gái xinh đẹp, gả cho người anh. Do hai anh em rất giống nhau nên có lần hai anh em đi lên nương mấy ngày mới về, người em về trước, chị dâu tưởng nhầm là chồng nên chạy đến ôm chầm lấy. Người anh về sau, thấy thế rất đau lòng. Người em vì vậy muốn đi xa, nhưng đến một con sông lớn không sang được, đành nằm lại, chết bên bờ sông, hóa thành hòn đá. Người anh thì lặn lội nhiều nơi tìm em, tới bờ sông nhìn hòn đá, linh cảm đây là em trai mình, nên cũng chết bên cạnh hòn đá, thành một cây cau mọc lên thẳng đứng. Ðến lượt người vợ đi tìm chồng và em chồng, tới được bến sông có hòn đá và cây cau mọc thẳng, nàng khóc và chết, hóa thành cây trầu không xanh tươi leo quấn lấy cây cau. Nhân dân trong vùng sau biết là hồn của ba người biến thành, bèn dựng miếu thờ ven sông. Hùng Vương một lần đi tuần thú qua nơi ấy, biết câu chuyện và ngôi miếu, vua sai trèo hái cau bổ quả ra, lấy lá trầu không cuộn lại, lấy chút vỏ cây bên cạnh nhai vào miệng thấy thơm nồng và cay, rồi say say. Nước trầu nhổ ra vào hòn đá, thì thấy hòn đá sùi bọt trắng xóa rồi biến màu đỏ. Vua hết sức kinh ngạc, lấy vôi đó ăn trầu - trầu càng thắm, càng say nồng đậm. Nhà vua ra lệnh từ nay về sau việc cưới xin, ăn hỏi, lễ tiết... đều dùng trầu cau, ra lệnh trồng trầu và cau khắp nước(2).

Sự tích trầu cau đã lý giải về tình yêu chung thủy, tình anh em cốt nhục, thể hiện nét đẹp tâm hồn của con người trong cuộc sống. Ðể từ đó, tục lệ ăn trầu lan ra khắp mọi nơi, phổ biến đến mức “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Miếng trầu, miếng cau, vệt vôi, tất cả đều không phải quý hiếm, đâu đâu cũng có; thế nhưng đã trở thành rất quan trọng và thiêng liêng trong những dịp ra mắt, hội ngộ hay những lễ hội quan trọng nhất.

Ngay từ thời rất xa xưa, miếng trầu đã là phương tiện để kết nối giao duyên giữa tình yêu nam nữ. Chính miếng trầu là vật để gởi gắm tình yêu, trao nhau nỗi niềm tâm sự, mong ước cuộc sống lứa đôi êm đềm, hạnh phúc:

“Trầu vàng nhá lẫn cau xanh,

Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời”.

Cau trầu còn biểu đạt tình yêu nam nữ một cách rất tinh tế và ý nhị, mượn chuyện trầu cau, chàng trai bóng gió:

“Nhà em đất tốt trồng cau,

Cho anh trồng ghé bụi trầu gần bên”.

Hoặc thân thiện hơn:

“Trầu xanh, vôi đỏ, cau vàng,

Cơi trầu bịt bạc, thiếp mời chàng ăn chung”.

Còn người mẹ thì dặn con gái:

“Ví dầu duyên nợ nên chăng

Làm thân con gái chớ ăn trầu người”.

Người con gái nếu đã nhận trầu của người con trai, coi như đã chấp nhận sự ràng buộc, sự ràng buộc đáng yêu nhưng kín đáo:

“Ðôi ta sang một con đò,

Nhìn quanh vắng khách trao cho miếng trầu”.

Vì miếng trầu là món quà biểu lộ tình yêu, nên phải chờ vắng khách mới dám trao cho người yêu(3). Khi đã nên vợ nên chồng rồi thì khi người chồng ra đi vì việc công, vì việc quân, người vợ đảm cũng têm trầu, giữ tình nghĩa nơi miếng trầu:

“Túi gấm cho lẫn túi hồng,

Têm trầu cánh kiếm cho chồng đi quân”.

Mới hay miếng trầu cũng mang đậm cá tính con người. Người ta têm trầu là để mời trầu, mời người khác ăn trầu. Còn miếng trầu ngày xưa đã được cá tính hóa vì nhìn miếng trầu, đã biết được con người têm nó. Chàng hoàng tử trong truyện cổ tích nhận ra nàng Tấm là do miếng trầu và nhờ miếng trầu - ở cái dáng đẹp của miếng trầu têm, ở nếp gấp lá, cài trầu ở cái cánh trầu... Ăn miếng trầu, càng biết được tính nết người têm - giản dị hay cầu kỳ, đậm đà hay nhạt nhẽo là do chất lượng và số lượng vôi bôi trên lá trầu.

Miếng trầu vì vậy vừa mang bản sắc xã hội ở phương tiện giao tiếp, vừa mang bản sắc cá nhân. Ứng xử hài hòa hai mặt đối lập đó là ứng xử cao nhất trong quan niệm xưa. Trầu cau còn là đạo lý ứng xử bạn bè, bà con lối xóm thể hiện qua việc chia trầu để báo tin vui con cái trưởng thành, dựng vợ gả chồng, ra ở riêng... Mời trầu còn để làm quen và để tỏ lòng tin cậy. Ðó là nét giao tiếp đặc sắc Việt Nam(4).

Ngày nay, ít người biết ăn trầu. Miếng trầu chỉ tồn tại ở các vùng nông thôn, gắn liền với hình ảnh của các cụ bà ở miền thôn dã. Tuy vậy, không phải miếng trầu đã mai một mà vẫn trường tồn, trở thành một bản sắc văn hóa có nội hàm rộng, tính nhân văn, biểu tượng cho sự thủy chung, tình đoàn kết, lòng tôn kính... Do vậy, trong các kỳ lễ tế gia tiên, lễ mừng thọ, lễ hội ở làng và đặc biệt ở lễ cưới thì miếng trầu, trái cau không thể thiếu được. Trong lễ cưới, miếng trầu, trái cau là biểu trưng cho tình yêu đôi lứa, cho sự thủy chung bền chặt, suốt đời gắn bó trăm năm.l

-

(1) Nguyễn Trọng Báu (2012), Phong tục tập quán và lễ hội của người Việt, NXB Văn hóa Thông tin, tr.69-70.

(2) Nguyễn Trọng Báu, Sđd, tr.70-71.

(3) Thanh Tâm (2000), Văn hóa trầu cau, in trong cuốn Văn hóa ẩm thực và món ăn Việt Nam, Xuân Huy sưu tâm và giới thiệu, NXB Trẻ, tr.118-119.

(4) Trần Quốc Vượng (2000), Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, NXB Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, tr.303-305.

Link nội dung: https://dhthaibinhduong.edu.vn/la-phong-tuc-cuc-ky-lau-doi-o-viet-nam-no-cung-pho-bien-khap-dong-nam-a-co-dai-a63526.html